Một buổi
sáng cuối thu năm 1977, tôi vào phân hiệu Bà Lụa để kiểm tra nề nếp dạy và học của
thầy và trò thì em trai thứ sáu của tôi chạy xe lên trường báo tin bà Út tôi đã
mất. Hồi ấy chưa có điện thoại nên mọi thông tin rất khó khăn và chậm chạp. Tưởng
như sét đánh ngang tai, tôi luống cuống sắp xếp công việc và nhờ bác bảo vệ ghé
ra cơ sở chính xin phép Hiệu trưởng giúp tôi.
Tôi cùng em
trai mỗi đứa một chiếc xe đạp chạy về nhà dưới trời nắng chang chang. Cũng bao
nhiêu cây số đường dài nhưng sao hôm ấy tôi cảm thấy quãng đường xa vời vợi. Nắng
như cháy da. Cổ họng tôi khô khốc. Hai chị em không ai nói với ai một lời, cứ cắm
đầu cắm cổ chạy miết, mong sao cho sớm đến nhà. Tôi nghe mắt mình cay xè muốn
khóc.
Bà Út là em
ruột của bà ngoại tôi. Nghe ngoại kể hồi trẻ bà Út cũng có chồng và có đứa con
trai. Nuôi được vài tháng tuổi, đứa bé bị bệnh ban đỏ chết. Bà Út bị sốc nặng, sau
này thôi chồng và nương náu sống với ngoại tôi từ đó.
Mẹ tôi qua đời
lúc mới vừa 36 tuổi, bỏ lại tôi cùng 4 em trai nhỏ dại. Đứa em trai út của tôi
chỉ 9 tháng rưỡi tuổi. Ngoại tôi buồn rầu vì đứa con gái duy nhất vội vã lìa đời
khi tóc còn xanh, để lại cho ngoại 5 đứa cháu thơ với trách nhiệm nặng nề. Ba tôi lúc sinh thời là một vị hiệu trưởng trường
tiểu học hết sức nghiêm khắc và mẫu mực. Sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi làm ba tôi
hụt hẫng vô cùng. Nhìn đám con thơ nheo nhóc, ba tôi đâm ra bất đắc chí, buông
xuôi tất cả. Ngoài đồng lương ít ỏi, teo tóp của ba gởi ngoại nuôi nấng chúng
tôi và phần hoa lợi thu được từ mấy mảnh ruộng, ngoại đã vun vén, còng lưng
gánh nặng nợ đời, lo cho chị em chúng tôi khôn lớn.
Bà Út đã đỡ
đần công việc nhà cửa phụ giúp ngoại tôi. Hồi ấy đâu có nước máy như bây giờ
nên bà Út đã vất vả gánh từng đôi nước nặng trĩu từ cái phông tên gần nhà, phải
xếp hàng chật vật lắm mới tới lượt mình. Nhiều lúc nghĩ lại giá hồi ấy đời sống
đầy đủ tiện nghi như bây giờ, có nước máy nóng, lạnh, sử dụng năng lượng mặt trời…biết
đâu chừng bà vẫn còn mạnh khỏe. Bà còn phụ ngoại chuyện bếp núc, rửa chén, giặt
giũ quần áo cho cả nhà.
Đứa em út
tôi vì mất mẹ quá sớm nên em rất trái tính. Tối nào bà Út cũng phải đưa võng ru
cho em say ngủ rồi mới nhè nhẹ bế em lên bộ ván gõ ngủ với ngoại. Một tiếng động
cũng làm em giật mình khóc thét lên. Ngoại và bà Út lại thay phiên bồng em ra
võng, đợi ngủ say bế em lên ván… Cứ thế đêm này qua đêm khác, cả ngoại và bà Út
gần như mỏi mòn vì thiếu ngủ.
Bà Út ăn uống
rất đạm bạc. Bà thích nhất món khổ qua kho nước thịt, bữa ăn quấy quá vài món
dân dã chỉ đủ no bụng mà thôi. Nhiều lúc bà lấy bông vạn thọ pha với nước trà làm
canh, nhìn bà ăn ngon miệng đến phát thèm. Tôi hỏi bà canh có ngon không, bà
nói: Ngon ghê lắm!
Bà rất thích
nghe cải lương, mê nhất tuồng Nửa đời hương phấn với giọng hát Út Bạch Lan,
Thành Được, Hữu Phước, Ngọc Nuôi, Việt Hùng… Mỗi lần giỗ bà, chị em ngồi quây
quần nhắc lại. Giá bà còn sống sẽ mua tặng bà chiếc Ipad cho bà mặc sức xem cải
lương.
Giai đoạn ấy
tôi còn nhỏ chỉ biết ngày hai buổi ôm cặp đến trường. Nếu không có bà Út phụ hợ
cho ngoại, chắc ngoại không đủ sức sống gần trăm tuổi với chị em tôi.
Mỗi năm tôi
thường cắt may cho bà Út hai bộ quần áo mặc Tết. Vải tôi đã mua sẵn, giờ bà Út mất
tôi cũng may hai bộ liệm xác bà, chỉ khác là áo không làm khuy hay đơm cúc chi cả.
Đám tang bà
thật buồn, không kèn trống rườm rà mà chỉ lặng lẽ cũng như cuộc đời của bà vậy.
Dạo ấy vừa giải phóng, đời sống còn nhiều khó khăn nên khách khứa, bà con xa gần
cũng hạn chế. Tính đến nay bà mất đã 43 năm và không năm nào chị em tôi quên
cúng giỗ cho bà. Ngoài việc thờ cúng ở nhà, tôi còn gởi bà vào chùa để sớm hôm được nghe
kinh kệ.
“Gieo nhân
nào, gặt quả ấy”, câu nói chẳng hề sai! Bà Út đã một đời cực nhọc, lo lắng thương yêu chị
em chúng tôi, không hề than vãn, đổi lại bà được chị em chúng tôi kính trọng chẳng khác gì ngoại của mình. Bà đã gieo nhân lành giờ hưởng quả ngọt.
Cầu mong bà Út tháng ngày an nhàn, sớm được siêu sinh.