01 tháng 1, 2021

TẢN MẠN VỀ CÁI DUYÊN TRONG "BỒI HỒI" CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY



BỒI HỒI

Bồi hồi qua ngõ nhà anh
Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm
Anh là mật ngọt dịu êm
Cho em đi lạc giữa miền tương tư
Thoảng trong hơi gió mùa thu
Thơ tình anh viết lời ru ngọt ngào
Gió ơi có ở trời cao
Gửi dùm em chút mưa rào sang anh

Bồi hồi qua ngõ ngó quanh
Bóng anh chẳng thấy thôi đành…ngẩn ngơ!
HTLM

Lời bình của Phạm Hữu Lý:

Đọc bài thơ “ Bồi hồi” của Hoàng Thị Lãng Mây, tôi cứ lan man nghĩ về cái duyên của người con gái Việt. Hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam với biết bao nét đẹp và những đức tính quý đã, đang và mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho văn học, nghệ thuật. Chỉ riêng cái duyên, nhất là cái duyên thầm trong tình yêu của người phụ nữ Việt Nam đã tốn bao tâm trí của các bậc tài danh đất Việt, hiện lên đậm đà, đầy quyến rũ trong ca dao, tục ngữ, trong Truyện Kiều và trong các áng văn thơ kim cổ…Còn nhớ cái buổi đầu gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn nghé theo
Thật là tài tình! Chỉ vỏn vẹn có hai từ “ nép” và “ nghé”, Nguyễn Du đã khéo léo diễn tả cái duyên thầm đáng yêu của Thúy Kiều trong buổi bình minh của mối tình đầu mới bén!
Cái duyên thầm trong chiến tranh của cô gái “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay. Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Bến ấy có người ngày mai ra trận…” nhờ hương bưởi nói hộ lòng mình trong bài thơ “Hương thầm” của Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại là nét duyên thầm khác đã làm cho không biết bao nhiêu người xúc động và say mê!
Tôi vừa nhắc qua về cái duyên thầm của hai người con gái trong hai mối tính đầu ở hai thời đại khác nhau: một đã cách đây gần 300 trăm năm, một mới trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tôi muốn tản mạn một chút về cái duyên thầm khác trong bài thơ “Bồi hồi” của chị Lãng Mây. Bài thơ viết về tâm trạng của người con gái với mối tình đầu dang dở.Chắc hẳn là như vậy, vì nếu không dang dở thì việc gì phải:
Bồi hồi qua ngõ nhà anh
Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm
Nguyễn Du trong mấy câu thơ trên, bằng nghệ thuật ẩn dụ, mượn khóm hoa vô hình nào đấy cho Thúy Kiều “ nép” vào để nhìn trộm chàng Kim đẹp trai, hào hoa nho nhã “Đề huề lưng túi gió trăng”. Cô gái trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì lại gói duyên thầm vào chiếc khăn tay và hương bưới để gửi gắm lòng mình. Còn ở đây, người con gái trong “ Bồi hồi” lại nghiêng chiếc nón lá bài thơ mang theo để che cái “ liếc nhanh”, giấu cái thẹn thùng của mình khi đi tìm bóng dáng của người thương yêu cũ! Cô phải “ liếc nhanh mắt tìm” cứ như là sợ ai đó quả tang bắt gặp cái hành động yêu chính đáng của mình vậy, sợ người ta chê cười rằng “ cọc đi tìm trâu!” mà không biết rằng, cách đây gần 300 trăm năm, Thúy Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng trong đêm khuya thanh vắng “ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”! Chao ôi! Tôi cứ bâng khuâng tự hỏi không biết đã bao lần người con gái ấy đã “Bồi hồi qua ngõ nhà anh”, đã “Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm” như vậy? Người con gái đi như trong mộng du “lạc giữa miền tương tư”, trong cái “ hơi gió mùa thu” se se lạnh, chìm trong những kỷ niệm, trong “mật ngọt dịu êm” của mối tình đầu thơ mộng, ngọt ngào “Thơ tình anh viết lời ru ngọt ngào”! Và tôi cũng lại tự hỏi, đã bao lần em đã khóc, không phải khóc thầm mà là khóc nức nở như cơn mưa rào đầu mùa hạ:
Gió ơi có ở trời cao
Gửi dùm em chút mưa rào sang anh
Những giọt nước mắt mặn chát cho “ Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên” (Lời mỉa mai-Thế Lữ) bây giờ chỉ còn là cái bóng! Và ngay đến cái bóng của người tình cũ cô gái cũng chẳng tìm thấy nên đành “ ngẩn ngơ” quay về hiện tại với cái tâm trạng của nàng Kiều “ Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”!
Người con gái xứ nào cũng có duyên và đáng yêu cả. Tôi mê tình yêu trong trắng thủy chung và mãnh liệt của Juliet từ đất nước sương mù trong “Romeo và Juliet” của Shakespeare. Tôi say vẻ đẹp và tình yêu thuần khiết của Natasa từ xứ sở bạch dương trong “ Chiến tranh và Hòa bình” của Lép Tôn-xtôi, và rất nhiều vẻ đẹp của những người con gái từ các miền đất khác nữa…Nhưng tôi yêu nhất vẫn là cái duyên thầm của người con gái quê hương tôi!
“Bồi hồi ” là một bài thơ hay và buồn nhưng rất có duyên. Cầu mong dù vật đổi sao dời, dù xã hội ngày càng văn minh hiện đại, thì cái dịu dàng đằm thắm, cái duyên thầm…của người phụ nữ Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước như một nét đẹp tâm hồn đặc sắc mà không phải dân tộc nào trên hành tinh này cũng có được.
Phạm Hữu Lý
(Hà Nội)






1 nhận xét:

  1. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Hữu Lý (Hà Nội) với bài bình thật sâu lắng.
    :)

    Trả lờiXóa

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d
@-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa.