30 tháng 4, 2020

CÒN ĐÂU?






Vô tình
ghé lại vườn thơ
Nghe câu nhắn gởi
để ngơ ngác lòng

Đợi nhau
từ buổi chợ đông
Đến nay
mấy độ cải ngồng ra hoa

Trở về
chỉ thấy xót xa
Còn đâu
hai chữ mặn mà tri âm?











29 tháng 4, 2020

NHẠT NHÒA





Đưa kim lên vá
sự đời
Mới hay trần thế
lắm lời thị phi

Cuộc cờ
điên đảo ai bi
Quay lưng
ngoảnh mặt
tiếc gì thanh xuân

Vô thường vạn biến
xoay vần
Rồi ra
giấc mộng phù vân
nhạt nhòa








LỤC BÁT MƯA





Cơn mưa
vừa mới ghé qua

Bao lâu chờ đợi
vỡ òa niềm vui

Xòe tay
hứng giọt bồi hồi

Rưng rưng khoảnh khắc
đất trời hoan ca







ĐÊM NGỌC LAN LẶNG LẼ





Đêm ngọc lan ngào ngạt
Đẩy cửa hương theo vào
Khoảng trời xa bát ngát
Mộng mị cùng trăng sao

Nép mình bên rặng liễu
Nguyệt xiêm áo rạng ngời
Khúc ca dao huyền diệu
Thoảng hồ cầm rụng rơi

Tựa rèm thưa bất động
Giấc ngủ chơi trốn tìm
Cô đơn hình với bóng
Lặng lẽ hoài trong đêm

Đêm ngọc lan thổn thức
Mười ngón gầy bơ vơ
Tội tình cho nghiên mực
Cứ đăm đắm mong chờ









27 tháng 4, 2020

BIẾT CHỪNG ĐÂU TÌM THẤY LẠI NỤ CƯỜI?





Ta còn lại gì buổi sáng hôm nay?
Đi giữa thênh thang phố phường lạ lẫm
Vòm trời thấp mây màu ảm đạm
Tiếng gọi hồn vọng phía xa xăm

Chẳng còn ai!... Chân lê bước âm thầm
Bao lâu rồi bóng hình ta lặng lẽ
Ta muốn khóc nhưng cạn dòng dư lệ
Cúi xuống nhìn… nhiều lắm những xót xa

Một thoáng trăm năm… cho cảm xúc vỡ òa
Tay nắm chặt ngỡ ngàng câu hạnh phúc
Bong bóng nước lung linh nào có thực
Để cuối cùng thân gỗ mục bơ vơ

Ta còn lại gì ngoài câu chữ dại khờ
Đắm đắm mê mê dẫu hững hờ thiên hạ
Thôi lãng quên… lãng quên đi tất cả
Hãy vùi chôn lả tả lá vàng rơi

Biết chừng đâu tìm thấy lại rạng ngời
Nụ cười ấy lỡ một lần đánh rớt?










26 tháng 4, 2020

SẺ CHIA












Đã từng sẻ chia nhau
Giọt cà phê tình nghĩa
Vị đắng thêm ngọt ngào
Nửa ly vào thấm thía

Đã từng sẻ chia nhau
Tách trà xanh nồng ấm
Cảm xúc mãi tuôn trào
Quên màu trời ảm đạm

Đã bao lần cùng nhau
Lang thang chiều thu muộn
Cho tứ thơ dạt dào
Cứ mỗi hoàng hôn xuống

Bao nhiêu lượt xướng hòa
Êm đềm câu lục bát
Tình cổ tích vỡ òa
Thiên thu như bền chặt

Dẫu bão táp cuồng phong
Dẫu vô thường vạn biến
Ca dao thuộc nằm lòng
Không gì làm lay chuyển









24 tháng 4, 2020

NGHĨ VỀ BA





Ầu ơ... Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Buổi trưa ở xóm nghèo heo hút càng buồn hơn với tiếng võng đưa kẽo kẹt và lời ru con não nuột. Tôi càng chạnh nhớ đến ba tôi. Ba vừa là người cha yêu thương vừa là người thầy giáo nghiêm khắc, đã cho tôi sự sống và dạy dỗ tôi khi tôi bước chập chững vào trường.
Mẹ tôi mất khi đứa em út của tôi vừa chín tháng rưỡi tuổi. Ba tôi với đồng lương dạy học ít ỏi phải bươn chải để nuôi năm đứa con nheo nhóc ăn học. Hồi còn nhỏ, tôi chưa biết đến nỗi cô đơn của một đứa trẻ mồ côi bởi vì bên cạnh tôi còn có ba và tình yêu thương trời biển của Người. Ba chỉ có một mình tôi là gái còn lại là bốn em trai. Thế nên tôi còn có bổn phận phụ ba lo chăm sóc các em từ việc ăn uống, giặt giũ, tắm táp và cả đến việc dạy các em học chữ.
Hồi ấy gia đình tôi nghèo lắm. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì đừng nói gì đến việc ăn ngon, mặc đẹp. Nhìn bạn bè tôi có cha có mẹ, gia đình hạnh phúc tràn trề mà tôi tủi thân cúi mặt chẳng dám ngẩng đầu. Nghèo đến độ những chiếc áo dài sờn tay, rách cổ, không còn mặc được tôi cũng chẳng dám phí phạm bỏ đi. Tôi tiện tặn lấy vạt trước cắt thành hai thân trước, vạt sau làm thân sau còn hai ống tay tôi làm tay và cổ áo. Như vậy, từ một chiếc áo dài cũ tôi đã may được một chiếc áo sơ mi mới cho các em trai tôi có mặc đi học. Nghĩ mà tội nghiệp cho các em tôi. Chúng cũng biết được cảnh nghèo túng của gia đình nên chẳng dám đua đòi, lẳng lặng mặc đi học mà chẳng ngại gì tiếng cười đùa trêu chọc khi mặc khính từ chiếc áo dài của chị ( Những  chiếc áo dài của tôi mặc phần lớn là của các bạn đồng nghiệp của ba tôi sắm cho tôi).
Trong xóm nhà nào cũng có điện sáng choang nhưng đặc biệt nhà tôi thì lại tối triền miên suốt năm tháng khổ cực ấy. Tôi ít có bạn vì hoàn cảnh gia đình nghèo khổ nên các bạn cũng chẳng đoái hoài. Bởi vậy ngoài giờ học ở trường và phụ ba nuôi nấng dạy dỗ các em, thời gian còn lại tôi dành hết cho việc học. Chiếc đèn dầu leo lét chính là người bạn thân thiết với quãng đời thơ ấu của tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã biết được rằng để có một tương lai đảm bảo thì trước nhất phải tự trang bị cho mình một số kiến thức nhất định và một trình độ học vấn có thể nuôi sống bản thân mình rồi sau đó mới lo lắng cho các em. Tôi đã lao vào việc học không biết mỏi mệt. Học, học và học. Ngoài những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt cho tôi ở trường lớp, tôi còn tìm đọc thêm ở sách báo, tài liệu tham khảo .Việc học của tôi tiến bộ rất nhanh. Phải nói tôi là niềm tự hào lớn nhất của ba tôi. Cuối mỗi học kì hoặc cuối năm học, tôi thường mang về cho ba tôi gói phần thưởng to lớn kèm theo tấm bằng danh dự ghi rõ họ tên tôi. Tôi biết nỗi nhọc nhằn hi sinh của thân gà trống nuôi con sẽ tan biến đi vì ba hoàn toàn tin tưởng, hãnh diện về đứa con gái đầu lòng.
Rồi tôi đậu tú tài và chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Tôi vốn mê viết lách nên ngành báo chí là nỗi đam mê to lớn nhất của tôi. Thế nhưng sau sự ra đi đột ngột của mẹ tôi,ba tôi không còn đủ sức để chịu đựng được nữa. Ba tôi trở bệnh và con đường vào đại học của tôi càng mù mịt hẳn đi. Tôi đành phải thi vào trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn như một tình cờ và tiếp nối con đường mà ba tôi đã chọn cho chính bản thân ông. Sau hai năm đằng đẵng, tôi tốt nghiệp và dạy ở một ngôi trường tiểu học xa nhà đi về gần hai mươi cây số. Vừa là giáo viên dạy một buổi, thời gian còn lại tôi ghi danh học tiếp Đại học Văn Khoa. Khoác áo sinh viên, tôi bước chân lên giảng đường với đầy nỗi hân hoan, phấn khởi. Tôi được sống với nỗi đam mê của mình. Nhưng hỡi ơi, khi tôi vừa công thành danh toại thì ba tôi không còn nữa. Ba đã ra đi cùng mẹ, bỏ chị em tôi côi cút trên đời sau khi đã trăn trối, gửi gắm lại cho tôi bốn đứa em nhỏ dại, ngây thơ.
Thời gian ấy, tôi như hụt hẫng, muốn khóc nhưng sao nước mắt đã khô cạn từ lúc nào. Tôi đã phải nghiến răng, gồng mình chịu đựng bao nỗi khổ đau giằng xé. Tuổi thơ của tôi qua đi không một chút màu hồng ước mơ hi vọng mà tất cả chỉ là một màu đen ảm đạm vô tình. Đôi khi nhìn tôi qua tấm gương nhoè nhoẹt, tôi đã phải thốt lên:
Người có biết sau đôi kính cận
Thật nghiêm trang u ám một trời buồn
Tôi vừa là cha, là mẹ, là anh, là chị và là thầy của một bọn con trai. Thế nên dần dần tôi gần như mất đi nữ tính. Tôi biết tôi có rất nhiều khuyết điểm, trái tính trái nết, thiếu sự dịu dàng của một người con gái. Trước mắt các em, tôi nghiêm nghị cứng ngắc như một bố già. Tôi lại hay quyết đoán và đôi lúc cũng gia trưởng ghê lắm.
Được ảnh hưởng từ ba nên khi là một giáo viên, lúc nào tôi cũng sống đúng với phong cách mô phạm của một nhà giáo. Tôi luôn làm theo lời ba nhắc nhở: không đi trễ về sớm, không làm việc riêng trên lớp, soạn giảng nghiêm túc, chấm điểm xếp hạng công minh. Thậm chí mỗi khi bệnh cũng cố gắng khắc phục không dám bỏ học trò...Ba tôi gương mẫu như thế và chính ba tôi là tấm gương sáng để tôi noi theo. Với niềm yêu nghề mến trẻ và tận tuỵ dạy học, sau hai mươi năm giảng dạy và cống hiến, tôi đã được ngành tôn vinh và phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994. Cài chiếc huy chương lên ngực áo, người tôi chạnh nghĩ đến nhiều nhất là ba tôi. Tôi khẳng định thành tích tôi có được hôm nay chính là nhờ công lao to lớn của ba tôi trong quá trình dạy dỗ, hình thành nhân cách cho tôi.
Ngày mai là ngày giỗ của ba tôi. Trong khi dọn dẹp bàn thờ, tôi bắt gặp hình ảnh ba với tia nhìn ấm áp. Chắc hẳn nơi Cực lạc ba sẽ rất vui mừng khi nhận ra con gái của ba vô cùng vinh dự khi được tiếp nối sự nghiệp trồng người mà ba đã theo đuổi một đời. Ba ơi! Nén hương này con gửi hết mười phương chư Phật cầu mong ba của con sẽ luôn an lạc, thanh thản ở chốn vĩnh hằng.









LỜI TỪ TÂM








Tháng tư
mới ghé hiên nhà
Loay hoay mấy bận
đã là tháng năm

Mùa xuân
tủi phận khóc thầm
Gởi câu từ biệt
lặng câm nỗi niềm

Biển đời
chẳng chút bình yên
Thiên tai
dịch bệnh
đảo điên kiếp người

Chắp tay
khấn nguyện Phật Trời
Cho tan khổ nạn
mấy lời từ tâm











23 tháng 4, 2020

GIEO NHÂN LÀNH HƯỞNG QUẢ NGỌT





Một buổi sáng cuối thu năm 1977, tôi vào phân hiệu Bà Lụa để kiểm tra nề nếp dạy và học của thầy và trò thì em trai thứ sáu của tôi chạy xe lên trường báo tin bà Út tôi đã mất. Hồi ấy chưa có điện thoại nên mọi thông tin rất khó khăn và chậm chạp. Tưởng như sét đánh ngang tai, tôi luống cuống sắp xếp công việc và nhờ bác bảo vệ ghé ra cơ sở chính xin phép Hiệu trưởng giúp tôi.
Tôi cùng em trai mỗi đứa một chiếc xe đạp chạy về nhà dưới trời nắng chang chang. Cũng bao nhiêu cây số đường dài nhưng sao hôm ấy tôi cảm thấy quãng đường xa vời vợi. Nắng như cháy da. Cổ họng tôi khô khốc. Hai chị em không ai nói với ai một lời, cứ cắm đầu cắm cổ chạy miết, mong sao cho sớm đến nhà. Tôi nghe mắt mình cay xè muốn khóc.
Bà Út là em ruột của bà ngoại tôi. Nghe ngoại kể hồi trẻ bà Út cũng có chồng và có đứa con trai. Nuôi được vài tháng tuổi, đứa bé bị bệnh ban đỏ chết. Bà Út bị sốc nặng, sau này thôi chồng và nương náu sống với ngoại tôi từ đó.
Mẹ tôi qua đời lúc mới vừa 36 tuổi, bỏ lại tôi cùng 4 em trai nhỏ dại. Đứa em trai út của tôi chỉ 9 tháng rưỡi tuổi. Ngoại tôi buồn rầu vì đứa con gái duy nhất vội vã lìa đời khi tóc còn xanh, để lại cho ngoại 5 đứa cháu thơ với trách nhiệm nặng nề.  Ba tôi lúc sinh thời là một vị hiệu trưởng trường tiểu học hết sức nghiêm khắc và mẫu mực. Sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi làm ba tôi hụt hẫng vô cùng. Nhìn đám con thơ nheo nhóc, ba tôi đâm ra bất đắc chí, buông xuôi tất cả. Ngoài đồng lương ít ỏi, teo tóp của ba gởi ngoại nuôi nấng chúng tôi và phần hoa lợi thu được từ mấy mảnh ruộng, ngoại đã vun vén, còng lưng gánh nặng nợ đời, lo cho chị em chúng tôi khôn lớn.
Bà Út đã đỡ đần công việc nhà cửa phụ giúp ngoại tôi. Hồi ấy đâu có nước máy như bây giờ nên bà Út đã vất vả gánh từng đôi nước nặng trĩu từ cái phông tên gần nhà, phải xếp hàng chật vật lắm mới tới lượt mình. Nhiều lúc nghĩ lại giá hồi ấy đời sống đầy đủ tiện nghi như bây giờ, có nước máy nóng, lạnh, sử dụng năng lượng mặt trời…biết đâu chừng bà vẫn còn mạnh khỏe. Bà còn phụ ngoại chuyện bếp núc, rửa chén, giặt giũ quần áo cho cả nhà.
Đứa em út tôi vì mất mẹ quá sớm nên em rất trái tính. Tối nào bà Út cũng phải đưa võng ru cho em say ngủ rồi mới nhè nhẹ bế em lên bộ ván gõ ngủ với ngoại. Một tiếng động cũng làm em giật mình khóc thét lên. Ngoại và bà Út lại thay phiên bồng em ra võng, đợi ngủ say bế em lên ván… Cứ thế đêm này qua đêm khác, cả ngoại và bà Út gần như mỏi mòn vì thiếu ngủ.
Bà Út ăn uống rất đạm bạc. Bà thích nhất món khổ qua kho nước thịt, bữa ăn quấy quá vài món dân dã chỉ đủ no bụng mà thôi. Nhiều lúc bà lấy bông vạn thọ pha với nước trà làm canh, nhìn bà ăn ngon miệng đến phát thèm. Tôi hỏi bà canh có ngon không, bà nói: Ngon ghê lắm!
Bà rất thích nghe cải lương, mê nhất tuồng Nửa đời hương phấn với giọng hát Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Ngọc Nuôi, Việt Hùng… Mỗi lần giỗ bà, chị em ngồi quây quần nhắc lại. Giá bà còn sống sẽ mua tặng bà chiếc Ipad cho bà mặc sức xem cải lương.
Giai đoạn ấy tôi còn nhỏ chỉ biết ngày hai buổi ôm cặp đến trường. Nếu không có bà Út phụ hợ cho ngoại, chắc ngoại không đủ sức sống gần trăm tuổi với chị em tôi.
Mỗi năm tôi thường cắt may cho bà Út hai bộ quần áo mặc Tết. Vải tôi đã mua sẵn, giờ bà Út mất tôi cũng may hai bộ liệm xác bà, chỉ khác là áo không làm khuy hay đơm cúc chi cả.
Đám tang bà thật buồn, không kèn trống rườm rà mà chỉ lặng lẽ cũng như cuộc đời của bà vậy. Dạo ấy vừa giải phóng, đời sống còn nhiều khó khăn nên khách khứa, bà con xa gần cũng hạn chế. Tính đến nay bà mất đã 43 năm và không năm nào chị em tôi quên cúng giỗ cho bà. Ngoài việc thờ cúng ở nhà, tôi còn gởi bà vào chùa để sớm hôm được nghe kinh kệ.
“Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, câu nói chẳng hề sai! Bà Út đã một đời cực nhọc, lo lắng thương yêu chị em chúng tôi, không hề than vãn, đổi lại bà được chị em chúng tôi kính trọng chẳng khác gì ngoại của mình. Bà đã gieo nhân lành giờ hưởng quả ngọt. Cầu mong bà Út tháng ngày an nhàn, sớm được siêu sinh.










22 tháng 4, 2020

TẢN MẠN THÁNG 4





Cầm tờ lịch sáng nay, 22/4/2020, tự dưng cảm xúc ùa về. Tôi chợt nhớ đến tháng 4/1975. Nhớ và không ngăn được dòng nước mắt.
Từng người thân đã lần lượt bỏ tôi ra đi sau ngày định mệnh ấy. Hồi đó, tôi dạy học tại một trường tiểu học cách nhà gần mười cây số. Sau giải phóng, tập thể giáo viên phải đối mặt với nhiều khó khăn do thay đổi cả guồng máy chính trị. Ba tháng dạy học không lương, cuộc sống với nhiều nghiệt ngã gần như đốn gục tôi. Tôi phải tiết kiệm từng đồng bạc lẻ. Không dám đi xe đò, xe lam đến trường, hàng ngày tôi phải cọc cạch trên chiếc xe đạp mi ni với cái vòng quay nhỏ xíu, vượt hai, ba con dốc dài ngoằng để tới lớp kịp giờ. Mồ hôi nhễ nhại, tim đập thình thịch, da mặt tái xanh… là hình ảnh thảm thương nhất của tôi trong suốt quãng đời dạy học. Trưa không về nhà, tôi chỉ biết gặm ổ bánh mì khô khan và uống một ly nước trà cho no bụng.
Khó khăn như thế nhưng sao lòng yêu nghề mến trẻ lại đầy ắp. Tôi thích 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!
Là Giáo học cấp bổ túc tập sự cộng thêm C/c Đại học Văn Khoa SG và lý lịch trong sạch, tôi được thăng tiến rất nhanh so với các đồng nghiệp. Từ giáo viên dạy lớp, tôi được đề bạt là Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Thọ gồm 3 phân hiệu Phú Thọ, Bà Lụa, Tân Lập và hơn sáu mươi giáo viên, công nhân viên. Tôi thường xuyên dự lớp tập huấn chuyên đề báo cáo về đặc trưng các bộ môn của bậc tiểu học nên thường được phân công là báo cáo viên báo cáo trước các huyện, thị và tỉnh. Lúc bấy giờ, tỉnh mang tên Sông Bé, bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Long, Phước Long, địa bàn rất rộng. Đến năm 2000, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Dạo ấy, tôi là một cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt tình công tác nên được Phòng Giáo dục Thị xã Thủ Dầu Một, Sở Giáo dục Sông Bé đặc biệt ưu ái. Dù trước mắt con đường tôi đi có nhiều gai chông nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, tôi đã từng bước vượt qua nỗi khó khăn và hoàn thành xuất sắc mọi phân công của ngành giáo dục.
(Còn tiếp)









NHỚ VÔ CÙNG NGÀ NGỌC ĐÃ TRÔI XA!...






Quen rồi cảnh xướng họa cùng nhau
Cũng đôi lúc người thả vần ta buông chữ
Ngại chi trận cuồng phong bão dữ
Mối tình thơ thăm thẳm tựa thiên hà

Khúc tri âm vẫn còn đó ngân nga
Biết bao lần con tim như lạc nhịp
Rồi tự vấn phải chăng là tiền kiếp
Đã một lần vướng víu bước chân qua?

Cảm xúc không dưng tuôn chảy nhạt nhòa
Lời chưa nói mà nghe chừng thắm thiết
Cuộc vô thường đẩy đưa chiều ly biệt
Phút ngập ngừng tay vuột mất bàn tay!

Ra khỏi đời nhau để chất ngất u hoài
Chén quỳnh tương ai cùng ta uống cạn?
Buổi hoàng hôn một mình ngồi tha thẩn
Nhớ vô cùng ngà ngọc đã trôi xa!…











21 tháng 4, 2020

NỤ CƯỜI ANH GỞI TẶNG EM







Nụ cười
anh gởi tặng em
Dịu dàng,
trìu mến,
êm đềm lắm cơ!

Để con tim
mãi thẫn thờ
Vào.
Ra.
Trông.
Ngóng.
Đợi chờ bước chân

Tưởng như
hồn phách bần thần
Níu mây
gọi gió
bâng khuâng nỗi niềm

Nụ cười
anh gởi tặng em
Trăm năm bắt gặp
bên rèm
ngẩn ngơ









20 tháng 4, 2020

TÌNH YÊU ƠI...





Áo lụa tan trường ai mê mải ngó theo
Để chân bước liêu xiêu nghe hồn đầy xao động
Chỉ là người dưng sao tiếng lòng gợn sóng
Trăm năm hề…. biết có phải nợ duyên?

Dễ thương làm sao má lúm đồng tiền
Cứ ra vào săm soi ngắm nghía
Lời dạy nam nữ thọ thọ bất thân tưởng chừng thấm thía
Câu nói nằm lòng đời xửa đời xưa

Chiếc nón lá nghiêng che theo em suốt bốn mùa
Anh ngỡ ngàng khi em tròn thiếu nữ
Mười tám tuổi ánh mắt nhìn tư lự
Phía giậu rào làm anh phải ngẩn ngơ

Áo lụa em qua góc phố đứng đợi chờ
Anh tặng em bài thơ tình ướp mật
Nhớ giữ nguyên nét hồn nhiên chân chất
Anh mượn vần nhả chữ tặng nàng thơ

Tình yêu ơi! Dung dị đến không ngờ…











19 tháng 4, 2020

MÃI CÒN ĐỌNG LẠI THIÊN THU




Nửa đêm nghe tiếng thét gào
Biển Đông dậy sóng nhuốm màu thê lương

Ai gây nên cảnh đoạn trường
Xót từng tấc đất quê hương ngọt lời

Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Hồn thiêng sông núi bao người dựng xây

Nửa đêm ai oán dâng đầy
Kiếm cung phá vỡ trùng vây giặc thù

Mãi còn đọng lại thiên thu
Sử xanh ghi tạc khúc ru Lạc Hồng










18 tháng 4, 2020

LỠ HẸN THÁNG TƯ





Lỡ hẹn nhau rồi… tháng tư ơi!
Cà phê sáng nay nhớ về phương ấy
Hoa phượng tím rợp trời khắc khoải
Đâu bóng hình của ngày tháng xa xưa?

Tháng tư về… trời đổ mưa chưa?
Đã đôi lần vô tình làm ướt áo
Thung lũng Tình Yêu hai đứa cùng đi dạo
Cơn mưa buồn tầm tã đứng trông theo

Cà phê nơi này nhớ gió núi heo heo
Nhớ Hồ Xuân Hương buổi hoàng hôn ghé bước
Hạt mưa rớt xuống đời như ủ dột
Áo mỏng chừng se sắt buốt bờ vai

Lỡ hẹn tháng tư… trĩu nặng giọt u hoài
Cà phê sáng nay… ta với mình độc thoại
Màu phượng tím của một thời hoang hoải
Biết bao giờ gặp lại… dấu yêu xưa?










17 tháng 4, 2020

CÀ PHÊ HẠNH PHÚC




Vẫn ly cà phê sữa mọi hôm
Vẫn cái laptop thân quen đợi chờ trước mặt
Cảm xúc sáng nay tràn ngập
Biết viết gì khi hồn phách lao xao?

Ly cà phê hương vị ngạt ngào
Uống từng ngụm dâng trào nỗi nhớ
Cái thuở tay trao tay bỡ ngỡ
Mắt nồng nàn gởi gắm những tin yêu

Hạnh phúc như ấm áp sợi nắng chiều
Để con tim ngỡ ngàng từng nhịp đập
Đời mấy bận ùa về cơn áp thấp
Có nhau rồi ngại gì vùi dập bởi gió dông?

Vẫn ly cà phê thơm nồng
Ánh bình minh tô hồng đôi má
Cảm xúc sáng nay thật lạ
Đâu đó lời rộn rã của chim khuyên

Ngăn ký ức mở ra…
Rạng rỡ nụ cười hiền!…










16 tháng 4, 2020

HẠNH PHÚC CHỪNG KHE KHẼ GỌI TÊN TA








Ngày mới về… nắng vàng rực bên hiên
Thôi giũ bỏ nỗi niềm riêng lắng đọng
Cành phượng vĩ còn mơ màng giấc mộng
Chim trên cành réo rắt đón bình minh

Khoác áo hoa xuống phố thật yên bình
Bao nhiêu ngày tìm quên nơi ốc đảo
Con tim ơi… xa rồi cơn dông bão
Hãy thả trôi đau đáu những muộn phiền

Ngày mới về… nắng vàng rực bên hiên
Ta xuống phố… tìm nụ cười đã mất
Biết đâu đấy trong tận cùng góc khuất
Hạnh phúc chừng khe khẽ gọi tên ta











15 tháng 4, 2020

LÀM CUỘC LÃNG QUÊN






Có hay không chuyện kiếp trước kiếp sau
Để một lần vô tình gặp mặt
Ta thảng thốt vội vàng tay bắt
Rồi cuốn vào vòng xoáy xót xa?

Cảm xúc không dưng cuồn cuộn vỡ òa
Tháng ngày dài đắm chìm trong huyễn mộng
Réo gió gọi mây mỏi mòn trông ngóng
Biết bao lần trăng tròn khuyết ngẩn ngơ!

Lối rêu phong nào ai đợi ai chờ
Hình bóng ấy đã nghìn trùng cách biệt
Buổi hoàng hôn nhớ mắt nhìn da diết
Rưng rức buồn tưởng vọng cõi xa xăm

Chỉ biết thở than cùng con chữ âm thầm
Miền ký ức đầy tủi hờn tê tái
Xô dạt ta về góc trời hoang hoải
Tự dặn lòng thôi làm cuộc lãng quên!

Chuyện ngày xưa… đám bọt nước dập dềnh
Xin gởi lại bên dòng sông dĩ vãng!








14 tháng 4, 2020

KHÉP LẠI TRĂM NĂM





Cứ ngỡ buổi hoàng hôn mây tím ngừng bay
Lãng đãng bên ta sẻ chia niềm tâm sự
Cứ ngỡ sợi nắng vàng cuối ngày ủ rũ
Cùng với ta thơm thảo chút ấm nồng

Phía góc trời nhạn lạc giữa mênh mông
Tiếng gọi bầy nghe chừng ai oán
Giống như ta buồn hoài theo năm tháng
Thiếu vắng nụ cười… lặng lẽ nỗi niềm riêng!

Ngắm dòng sông sóng nước vỗ mạn thuyền
Bao kỷ niệm chợt ùa về quay quắt
Điệu ca dao người ru ta dìu dặt
Mới hôm nào… hạnh phúc đến rưng rưng!

Chiều ở đây yên ắng tột cùng
Chỉ mình ta và vần thơ khắc khoải
Thôi khép lại trăm năm để lòng đừng tê tái
Mảnh trăng gầy len lén ghé qua hiên…















12 tháng 4, 2020

CÒN ĐÂU LỜI TRI KỶ?





Người tận chốn giang đầu
Ta tận miền giang vĩ
Gặp nhau giữa mùa Ngâu
Hồ trường say túy lúy

Không dưng rồi cách biệt
Núi mòn mỏi ngóng chờ
Sông lớn ròng nhớ tiếc
Mây tím hoài ngẩn ngơ

Tội cho mấy vần thơ
Con chữ như rời rạc
Trách ai câu hững hờ
Thiên thu tình phai nhạt

Người tận chốn giang đầu
Ta tận miền giang vĩ
Qua bao cuộc bể dâu
Còn đâu lời tri kỷ?
















09 tháng 4, 2020

CẢM XÚC THĂNG HOA







Buổi trưa đang chập chờn giấc ngủ, điện thoại bàn chợt reo lên hồi dài. Nhấc máy lên trong tình trạng mơ màng nửa mê nửa tỉnh, một giọng nói quen thuộc vang lên:
-        Chào cô bạn của tui!
-        À…Chào nhà thơ Nguyễn Mộng Hòa Bình! Có việc chi mà bạn gọi tui vậy?
-        Gọi đòi nợ…chứ hổng có chi hết!
-        Nợ gì? Chẳng lẽ tui thiếu nợ tình hay nợ tiền mấy người hay sao?
-        Ồ không! Tiền thì cô bạn tui thiếu gì…Còn tình thì cô bạn tui cứ hoài chung thủy với một người đã khuất! Đâu ai có đủ tư cách để làm chủ nợ của cô ấy đâu nè!
Thế là mình gạt ngang:
-        Vậy thì mục đích cú phone này là gì?
-        Thật ra nhóm Thân Hữu SPSG nhờ mình nhắn Loan gởi mấy bài thơ cho tập san LAO XAO SỎI ĐÁ thôi mà!
-       Trời đất! Thời gian qua tui cứ lo bệnh tật nên quên mất. Sorry nhé! Hứa chiều nay dạy xong sẽ in gởi ngay cho nhóm!
Luôn miệng, mình khoe:
-       Bạn à, tập thơ mới của tui vừa in xong rồi đó! Vui lắm!
Giọng Nguyễn Mộng Hòa Bình cũng thật vui:
-        Ôi! Xin chúc mừng Loan nhé! Nhưng mà…
-        Mà…thế nào, bạn?
Hắn rào đón:
-        Nói điều này Loan đừng giận nha! Hôm qua, mình và Hoàng Chấn Nam, Vũ Ngọc Hưng có nhắc đến Loan và thơ Loan. Bọn này nhận xét nếu Loan có in tới 30 tập đi nữa thì thơ Loan vẫn giậm chân tại chỗ. Nhìn qua thơ chỉ thấy một hình dáng Loan như gã tình si lẩn quẩn trong khu rừng chẳng có lối ra. Mỗi bụi cỏ gai, lối rêu rong, thành quách cũ đã làm thơ Loan càng lúc càng thêm ủy mị, buồn phiền, như một bức tranh với gam màu lạnh lẽo. Loan hãy bỏ qua quá khứ, dù quá khứ có thần tiên, ngọc ngà, lộng lẫy…đến đâu đi nữa! Hãy quên người ta và để yên cho người ta bên kia bờ đại dương đêm ngày triền miên giấc ngủ. Loan phải thay đổi dòng thơ, tích cực lên, rộn rã sắc màu. Hãy giấu đi chiếc áo tím buồn ngày cũ và biết đâu nụ cười sẽ tìm lại trên môi?
Mới vui đó mà giờ mình nghe nỗi tủi thân lại nhen lên, giọng nhão nhoẹt:
-        Tui cũng biết vậy… Nhưng hễ cầm bút lên là tui lại như lên đồng ấy! Buồn! Chán! Tuyệt vọng! Thở than!... Nhiều lúc muốn thôi không làm thơ nữa!
-        Loan thử tìm xem có chùm bài nào dịu dàng, yêu đời, yêu người… đọc cho mình nghe đi nào!
Mở máy, bấm vào ngăn lưu trữ thơ mới làm mùa xuân rồi, mình tìm được 3, 4 bài như lời hắn yêu cầu. Đó là bài Hờn giận, Theo anh xuống phố, Rộn rã khúc tình ca, Mười tám mùa xuân ơi! Đọc cho Nguyễn Mộng Hòa Bình nghe mà mình có cảm giác run trong dạ, tưởng như đang thi vấn đáp hồi mấy chục năm trước ở SPSG.
-        Thế nào hở… nhà thơ?
Giọng hắn như òa vỡ và tiếng cười khanh khách vang lên mồn một trong máy:
-        Trời ơi! Chính là nó đó… cô bạn tui ơi! Trong sáng quá! Trẻ trung quá! Và tình yêu đẹp như mơ vậy! Hãy cứ thênh thang, rộng mở bầu trời thơ nha Loan. Hãy xuống phố và tung tăng cùng câu chữ! Mình rất mừng…Không dè cô bạn tui quá thông minh! Dòng thơ này sẽ giúp tâm hồn Loan bay bổng. Thôi cứ như thế mà tiến lên phía trước, Loan nhé!
-        Cảm ơn bạn rất nhiều.Tui sẽ mời các bạn chầu café 64 Trần Quốc Thảo sáng chủ nhật tới đó nhé!
-        Bye cô bạn dễ thương của tui… ý quên…của nhóm Thân Hữu SPSG. 
Gác máy điện thoại, mình leo lên võng ầu ơ tìm lại giấc ngủ. Nhưng niềm vui vừa bắt gặp làm mình tỉnh hẳn. Vội lấy tờ giấy trắng và cây bút bi, mình viết lại cảm xúc thăng hoa vừa mới thoáng qua.











NGŨ NGÔN YÊN BÌNH




Sáng nằm nghe chim hót
Chợt thấy lòng rộn vui
Tiếng chim chuyền thánh thót
Xua tan bao ngậm ngùi

Đã qua mùa dông bão
Biển lặng sóng bình yên
Xa tháng ngày hư ảo
Khóe mắt thôi lệ viền

Cơn mưa đầu mùa hạ
Giội rửa những ưu phiền
Thơm tho từng nhánh lá
Mong nỗi sầu ngủ quên












08 tháng 4, 2020

THÁNG TƯ BUỒN


(Cảm tác từ bài thơ Tháng tư mềm như một nụ hôn êm của nhà thơ Lương Đình Khoa. Ngổn ngang mùa dịch. )




Tháng tư chẳng mềm như một nụ hôn êm
Mà tháng tư ngập tràn vị đắng
Ốc đảo thênh thang quạnh vắng
Niệm khúc buồn như thể tiếng cầu kinh!

Cánh cửa mở toang!… Ta thảng thốt giật mình
Đâu có ai?... Chỉ là cơn gió thoảng!
Ta ngẩn ngơ suốt chiều dài năm tháng
Nghĩ đời mình sao giống lá vàng rơi!

Ngày tháng tư lạc mất cả nụ cười
Trong vô thức ngược tìm về quá khứ
Miền ký ức của một thời xưa cũ
Đã nhạt nhòa lớp lớp những rêu phong

Tháng tư chẳng thơm như một nụ hồng
Buổi tàn xuân một mình ngồi hoài niệm
Câu chữ dỗi hờn xấp mặt nằm im ỉm
Thơ nhuốm sầu lặng lẽ nỗi niềm riêng

Tháng tư đa đoan!… Nguyệt vỡ nát bên thềm!…










06 tháng 4, 2020

BẮT GẶP TRĂM NĂM - CẢM TÁC HOÀI NIỆM THÁNG NĂM






Người ta thường nói “trăm năm” để gợi nhắc về đời người. Đối với những người hoài niệm, “trăm năm” là vô thường. Đối với nữ thi sĩ Đỗ Mỹ Loan, “trăm năm” còn là một “cõi thơ”, một miền hư ảo trong tâm hồn, là cả quá khứ, hiện tại và tương lai, là cả kiếp trước và kiếp sau… Có lẽ vì là một người mang nhiều tâm sự và có đời sống nội tâm vô cùng nhạy cảm cho nên cảm tác thời gian mới vô cùng sâu đậm trong tập thơ Bắt gặp trăm năm của tác giả Đỗ Mỹ Loan. Có những cuộc gặp gỡ tưởng như là định mệnh, như đã chờ từ kiếp trước nhưng không thể gắn bó. Cảm nhận về cuộc gặp trăm năm càng sâu nặng thì cảm giác mất mát, hụt hẫng càng dâng cao khi phải chia xa: “Trăm năm vừa bắt gặp/Thoáng chốc lại lìa xa” (Bắt gặp trăm năm). Nỗi đau mất mát, lỡ làng của mối tơ duyên dang dở còn trở đi trở lại trong nhiều bài thơ khác của tác giả. Vẫn là hai chữ “trăm năm” ấy, nhưng là viễn ảo về tương lai của người con gái mộng mơ: “Tưởng là trăm năm để lòng thổn thức/ Nguyệt lão se duyên cho đến bạc đầu” (Đâu phải tại thời gian). Một chữ “tưởng” thôi đủ nói lên bao chua xót, đủ phá vỡ giấc mơ thiếu nữ và ám ảnh mãi tới nhiều năm sau. Khi yêu, người ta “tưởng”, người ta mơ biết bao nhiêu viễn cảnh đẹp đẽ, trong đó có giấc mơ trăm năm, giấc mơ bạc đầu tri kỉ,… Nhưng thực tại phũ phàng khiến lòng người vụn vỡ: “Ngỡ ngàng hai mươi năm sau/ Mỗi đứa một phương trời cách biệt/ Gọi tên nhau ngập tràn nuối tiếc/ Chuyện trăm năm như nước chảy qua cầu” (Đâu phải tại thời gian). Cảm tác về sự lỡ làng, chia xa xuyên suốt cả tập thơ, đi theo mỗi bước chân của thi sĩ. Cho nên, ngay giữa Sài Gòn tấp nập, ồn ào, nhà thơ Đỗ Mỹ Loan vẫn cảm thấy một khoảng trống mênh mông sâu thẳm của nỗi nhớ, nỗi buồn: “Sài Gòn/ lê bước âm thầm/ Hỏi người một thuở/ tri âm đâu rồi?”. Như con sóng ngầm, nỗi nhớ xoáy sâu rồi trào lên dữ dội: “Gọi tên nỗi nhớ/ vỡ òa trăm năm” (Sài Gòn nỗi nhớ trăm năm). Cứ thế, duyên đời vận vào duyên thơ, mới có lời Ngỏ rằng: “Vô tình/ bắt gặp trăm năm /Hữu duyên / lục bát/ gieo nhầm vần thương/ Rồi xa/ diệu vợi con đường/ Vần thơ từ ấy/ biết/ tương tư người”. Chắc hẳn tác giả phải có một tâm hồn đa sầu đa cảm lắm mới có những vần thơ tinh tế và nhiều rung cảm như vậy. Ấy vậy mà, tác giả lại không muốn được gọi là “nhà thơ”: “Đừng gọi tôi là nhà thơ/ Vì nhà thơ cứ lãng đãng như mây/ Tôi thích được gọi là nhà giáo/ Sống an yên bốn mùa nơi ốc đảo” (Đừng gọi tôi là nhà thơ). Có lẽ tác giả cũng “sợ” chính sự nhạy cảm của mình. Những sợi dây cảm xúc quá mong manh khiến nữ thi sĩ sợ lòng như mây, dễ bị gió cuốn. Tác giả Đỗ Mỹ Loan còn có biệt danh là Hoàng Thị Lãng Mây. Chữ “lãng” vừa có nghĩa là trôi nổi vô định, vừa có nghĩa buồn rầu, bi thương. “Lãng mây” là một đám mây phiêu du mang nhiều tâm sự chăng? Ngoài việc thấy mình như “lãng mây”, tác giả còn nhiều lần dùng từ “ốc đảo” để chỉ thế giới nội tâm của mình. Có lẽ đó cũng chính là thế giới thơ của thi sĩ, một miền thơ hư ảo, bồng bềnh, khiến độc giả vừa muốn bước vào khám phá, lại vừa e ngại chạm vào nỗi niềm riêng. Đối với thi sĩ, thơ vừa là thú vui tao nhã của cô giáo tuổi hưu, để thỏa nỗi niềm yêu con chữ vừa là tri kỉ của tâm hồn, mang dáng điệu “vô thường”. Với hơn 18 tập thơ đã xuất bản, tác giả vẫn khiêm tốn, không nhận là nhà thơ. Sự nghiệp ấy, với thi sĩ, vốn chỉ là một cuộc ruổi rong đi tìm bản ngã, đi tìm quá khứ: “Cùng thơ/ làm cuộc ruổi rong/ Rày đây mai đó/ thong dong cuối đời/ Biết đâu/ tìm lại nụ cười/ Biết đâu/ tìm được khoảng trời dấu yêu” (Cùng thơ làm cuộc ruổi rong). “Thơ” nhiều lần được nhân cách hóa như một người đồng hành gánh hành lý thương nhớ, buồn tủi cho thi sĩ. Bởi vậy mới có trang thơ “tủi phận”, câu thơ “đi lạc”, dòng thơ “đợi chờ”, tứ thơ “chơi vơi”, hồn thơ “lạc lõng”, con chữ “võ vàng”, nhịp thơ “gãy vụn”… Bởi vậy mới có những lúc phải “cõng thơ lên núi”, rồi lại “cõng thơ qua cõi ta bà”…
Một góc rất nhỏ trong tập thơ, bốn bài thơ thời sự của tác giả đã kéo độc giả về với thời cuộc, với sự kiện toàn cầu lớn nhất những tháng cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020 – dịch cúm Vũ Hán, Covid 19. Chỉ bốn bài thơ thôi nhưng hội tụ đủ cả cảm xúc xót xa, tang thương; nỗi lo sợ ngày mai, nỗi cô đơn những ngày toàn quốc cách ly; lời trách giận “con virus” tai quái… Đây sẽ là những dấu ấn lịch sử không thể nào quên với đất nước và toàn thế giới. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ cả tập thơ vô cùng thê lương nhưng không… Ấy là cảm tác của người thi sĩ mang nhiều tâm sự đem trút vào thơ. Sau cùng, cuộc đời vẫn còn rất nhiều mến yêu, rất nhiều điều lấp lánh. Độc giả sẽ thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn với những câu thơ tươi mát, réo rắt như thế này: “Dắt thơ dạo phố/ ngát miền hương hoa… Con tim / khe khẽ nói lời yêu thương/ Trang thơ/ khép lại nỗi buồn” (Khép lại nỗi buồn). Bởi cuộc đời còn có những tia nắng, còn có những sắc hoa và những mùa xuân tươi sáng nên từ nơi “ốc đảo” vẫn rộn rã những tin yêu: “Vỡ òa/ sợi nắng sáng nay/ Hình như vui lắm / giữa ngày chớm đông/ Cảm ơn/ vàng nắng lung linh/ Cho ta tìm lại / bóng hình của ta” (Cảm ơn vàng nắng lung linh). Tập thơ Bắt gặp trăm năm của tác giả Đỗ Mỹ Loan không dành cho những người “sống vội”. Tập thơ là để nhâm nhi, để lắng lòng. Bởi vậy, dù là viết theo thể thơ 4 chữ, 5 chữ hay lục bát, tác giả đều có cách ngắt dòng rất độc đáo, tạo nên giai điệu chậm rãi, phiêu bồng. Có những câu thơ lục bát ngắt nhịp 2/4 – 4/2/1/1, tạo cảm giác như giọt cảm xúc đang rơi. Những câu thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tạo nên những trường liên tưởng siêu thực: “Nỗi sầu đánh võng”, “Tiếng trăng non thầm thì” hay “Lời cầu kinh xé nát mảnh hồn hoang”… Sau cùng, xin dành những cảm nhận riêng cho độc giả khi đọc Bắt gặp trăm năm. Có lẽ mỗi người sẽ tìm thấy sự đồng điệu nào đó trong lớp lớp xúc cảm của thi sĩ. Trân trọng cảm ơn tác giả đã đem đến cho đời những giai điệu đẹp của tâm hồn. (Thục Anh)



05 tháng 4, 2020

BIỆT LY...






Biệt ly… ly biệt hề ly biệt
Vó ngựa phong ba mấy dặm ngàn
Bịn rịn chia tay đầy nuối tiếc
Đưa người qua bến mộng Tương giang

Biệt ly… ly biệt hề ly biệt
Góc biển chân mây luống sững sờ
Ốc đảo giọt sầu hoen mắt biếc
Nghẹn ngào ai xướng họa cùng thơ?









04 tháng 4, 2020

THANH MINH NHỚ NGOẠI





Cũng vì đại dịch thảm thê
Thanh minh viếng Ngoại đường về mù khơi

Mười bảy năm vắng bóng người
Nhớ sao là nhớ mắt cười long lanh

Tưởng như hồn phách quẩn quanh
Nén tâm hương… chút lòng thành của con

Dẫu cho nước cạn non mòn
Công ơn của Ngoại mãi còn khắc ghi











:)) :(( :) :-ss =)) :( :d
@-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa.