Thi Hữu



Giới Thiệu Bạn Thơ




01-CÔ GIÁO NGÀY XƯA (tặng cô giáo Đỗ Mỹ Loan)



Tác giả:  DinhThao -Hội Viên Thi Đàn


Trống điểm vang rồi
Chia tay sáo nhỏ
Hai bờ lá cỏ
Đón bước em về

Áo dài mân mê
Đường còn chưa vội
Quanh co một lối
Ai nối chân người

Vui chi em cười
Chim chuyền rả rích
Lũ trò tinh nghịch
Hay ai nhìn theo?

Chiếc lá chao vèo
Giật mình trong nắng
Đường về yên ắng
Áo nhẹ vờn bay

Em về có hay
Ơi cô giáo nhỏ
Có người theo đó
Đếm bước giùm Loan

Tình dâng chứa chan
Con tim mở ngõ
Lời anh đã tỏ
Em cười bâng quơ...

Nhưng ai nào ngờ
Tình sầu tan vỡ
Lòng em nức nở
Đường về còn ai?

Lối nhỏ bỗng dài
Chim buồn quên hót
Đâu rồi mật ngọt
Đâu rồi mộng mơ

Buồn đau câu thơ
Em người ngoại đạo
Tình trong tâm bão
Biết trách ai đây?

Xin gió xin mây
Thôi đừng nhắc lại
Mối tình tê tái
Cô giáo ngày xưa







02. QUÀ THƠ

Đức Tường

Nao nao cứ mãi trông chờ
Phút chốc nhận được quà thơ gởi về
Bình Dương thân tặng Ban Mê
Một làn “MÂY TÍM” tràn trề mến thương

Tuy xa cách trở dặm đường
Tình thân thi hữu vấn vương tháng ngày
Bạn thơ chan chứa đong đầy
“VẦN THƠ KHẮC KHOẢI” sâu dày thiết tha

Vội vàng ngước mắt đọc qua
Tâm nghe xao xuyến xót xa trong lòng
Gió chao đau ánh dương hồng
Cho hồn Mây lạnh lạc dòng tím thương…

Lời thơ hòa quyện tuyết sương
NỒNG NÀN GIỌT ĐẮNG vấn vương tim hồng
Nắng chiều ngã tím dòng sông
KHÚC TƯƠNG TƯ cuộn trong lòng nao nao

“TÌNH YÊU NỖI NHỚ dạt dào
BÌNH DƯƠNG” cánh võng dâng trào thiết tha
Tình thi tuy ở cách xa
HỒN THƠ LẮNG ĐỌNG chan hòa tâm giao….

ĐT ..24/01/2016

*********

Cám ơn MỸ LOAN

ĐT rất vui đã nhận được 2 lần 6 tập thơ “MÂY TÍM – VẦN THƠ KHẮC KHOẢI – NỒNG NÀN GIỌT ĐẮNG – KHÚC TƯƠNG TƯ – BÌNH DƯƠNG TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ -LẮNG ĐỌNG HỒN THƠ… Nhà thơ Mỹ Loan gởi tặng …ĐT chúc ML chào đón một mùa xuân Đinh Dậu vui tròn ước mơ vạn sự như ý….



03. ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ BĂN KHOĂN CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY







Có gì đó trong tâm tư thao thức, trở trăn hoài một nỗi nhớ mông lung, nhện giăng tơ hay giăng sầu trăm mối? Cho lòng em sóng gợn mãi không yên.


Tôi rất ấn tượng với tên một tác giả trên thi đàn, Hoàng Thị Lãng Mây. Không biết đây là tên thật hay là bút danh mà nghe rất đậm chất thơ. Thật vậy, cô có trên dưới 400 bài thơ được đăng trên thi đàn, một gia tài kếch xù mà bất kỳ ai yêu thơ cũng thòm thèm mơ ước có?! Hôm nay lại có một bài thơ của cô mới được đăng, tôi xin mạn phép có đôi dòng cảm nhận. Bài thơ “Băn khoăn” thuộc thể loại thơ năm chữ, gồm bốn khổ như sau:

Băn khoăn

Trăng đêm nay mười sáu
Sao đọng nét u hoài ?
Chút tình xưa đau đáu
Lời thơ sầu không phai

Bao năm rồi người hở
Kể từ phút chia tay
Cho vần thơ nức nở
Chuyện tình nhiều đắng cay ?

Thôi đừng nên hờn trách
Mây lặng lẽ u sầu
Đường gập ghềnh xa cách
Nhớ nhung gởi về đâu ?

Người ơi, người có biết
Tháng ngày đầy trở trăn
Giờ xa xôi cách biệt
Sợi tơ buồn giăng giăng ?

Hoàng Thị Lãng Mây

Tác giả mở đầu bài thơ với hình ảnh tuyệt đẹp: trăng mười sáu, một hình ảnh thường gặp trong thơ của rất nhiều thi sĩ. Trăng mười sáu rất tròn, rất sáng mặc dù thời điểm này là rằm tháng 10 âm lịch, đã cuối thu. Một không gian thơ đã được mở ra thật huyền diệu cho bài thơ của tác giả. Nhưng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), bởi trong lòng tác giả đang “băn khoăn” một điều gì đó. Trăng mười sáu tròn đẹp như thế “sao đọng nét u hoài?”. Tác giả không để cho người đọc phải thắc mắc lâu hai câu kế tiếp đã giải bày nguyên cớ: “Chút tình xưa đau đáu, lời thơ sầu không phai”.

Trăng đêm nay mười sáu
Sao đọng nét u hoài ?
Chút tình xưa đau đáu
Lời thơ sầu không phai

Đoạn mở đầu của bài thơ đã dẫn dắt người đọc vào một không gian thật huyền ảo của đêm trăng nhưng gờn gợn nỗi buồn. Quả thật những người yêu trăng hay đa sầu (Ông bà xưa hay nói vậy). Câu chuyện được tác giả dẫn dắt bằng lời tự sự đều đều:

Bao năm rồi người hở
Kể từ phút chia tay
Cho vần thơ nức nở
Chuyện tình nhiều đắng cay ?

Nhìn trăng lại nhớ đến người, nhớ đến phút chia tay đẫm lệ mà đã bao năm rồi vẫn còn tươi nguyên kỷ niệm. Để lệ sầu ướt đẫm từng đêm bởi những “vần thơ nức nở” khóc cho “chuyện tình nhiều đắng cay”. Tiết tấu của thể loại thơ năm chữ quay đều quay đều như một khúc nhạc, kể về một chuyện tình buồn giữa đêm trăng tĩnh mịch. Tác giả hỏi người nhưng kỳ thực là tự hỏi chính mình “Bao năm rồi người hở?” Đã bao nhiêu năm xa cách là bấy nhiêu nỗi sầu nhớ đong đầy ký ức hằng đêm. Không biết nguyên nhân của sự chia cách này từ đâu, chẳng biết người ra đi có hờn trách người ở lại hay người ở lại hờn trách người đi. Chỉ nghe tác giả thốt lên:

Thôi đừng nên hờn trách
Mây lặng lẽ u sầu
Đường gập ghềnh xa cách
Nhớ nhung gởi về đâu ?

Dẫu buồn, dẫu nhớ nhưng tôi biết chính tác giả cũng chẳng trách hờn gì đâu, sự chia ly đã như là một định số đã an bày. Không ai khác hơn là tác giả đã hiểu rất rõ nguyên nhân của sự chia ly này, và tôi cũng cam đoan rằng tác giả cũng đã rất nhiều lần tự nhủ lòng đừng nên sầu khổ. Nhưng than ôi! Chẳng ai có thể quản thúc được con tim, vui, buồn, nhung nhớ là theo lẽ riêng của nó. Chính vì thế trong ánh trăng sáng của đêm mười sáu này tâm hồn nhạy cảm của tác giả lại rung lên những cung bậc trầm bổng, khi kỷ niệm ngày cũ tràn về. Rồi tự đáy con tim tuôn trào ra những vần thơ đầy tâm trạng và rất tự nhiên chẳng chút trau chuốt nhưng lại sáng ngời chất thơ.

Người ơi, người có biết
Tháng ngày đầy trở trăn
Giờ xa xôi cách biệt
Sợi tơ buồn giăng giăng ?

Bài thơ kết thúc bởi một dấu chấm hỏi, một hình ảnh cũng rất mong manh và hư ảo: “Sợi tơ buồn giăng giăng”. Tôi thật sự ngưỡng mộ tác giả với cách gieo vần rất tự nhiên và cách sử dụng hình ảnh thật độc đáo. Sợi tơ. Vâng! Ai cũng biết sợi tơ rất mỏng manh nhỏ bé nó gần như lúc ẩn, lúc hiện rất khó nhận thấy, nhưng nó lại cứ quấn quýt, vướng víu, khi vướng phải sợi tơ rồi thì rất khó mà gỡ ra. Nỗi buồn của tác giả cũng như thế, nó mong manh hư ảo, nhưng dai dẳng triền miên, nó vướng víu mãi tâm can của tác giả khiến cho lòng “băn khoăn” mãi không nguôi.

Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ thật nhiều lần mới cảm được hết cái nghĩa của hai chữ “băn khoăn” mà tác giả đặt làm lời tựa. Ở đây không phải “bâng khuâng” mà cũng chẳng phải là nhung nhớ hay mong đợi. Nỗi băn khoăn này là cảm giác vướng víu của sợi tơ tình còn giăng mắc mãi trong tim tác giả. Chia tay một người và người ấy đã đi thật xa, nhung nhớ rất nhiều, buồn thật nhiều cho những kỷ niệm đắng cay, nhưng tác giả không mong người xưa quay trở lại, không trách hờn, không giận dỗi, chỉ là một cảm giác giăng mắc của sợi tơ buồn phảng phất mãi trong tim.

Trên đây là những cảm nhận của riêng tôi về bài thơ, rất mong tác giả và quý cô, chú, anh, chị bạn đọc bỏ qua cho những thiếu xót. Xin chân thành cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng Mây!

Trương Hoài Phong
18/11/2013


04. “Chìm với muôn trùng” - bản giao hưởng tình yêu của Đỗ Mỹ Loan

 


Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, thơ tình luôn có một sức sống mãnh liệt, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc khi đi vào thơ đã làm cho thơ trở nên thi vị và hấp dẫn hơn. Giữa bộn bề cuộc sống đôi khi đọc những câu thơ tình hồn ta chợt lắng lại và thấy lòng cứ xao xuyến, xốn xang như thuở con tim bắt đầu biết rung động. Hiện nay người viết thơ tình không ít nhưng nhận được sự yêu mến của đông đảo độc giả như thơ Đỗ Mỹ Loan thì không có nhiều. Với những vần thơ đầy xúc cảm, lãng mạn và có sức lay động lòng người, tập thơ “Chìm với muôn trùng” của chị đã làm tan chảy bao trái tim người đọc.



Thơ tình Đỗ Mỹ Loan là tiếng nói của con tim luôn khao khát yêu và được yêu. Tha thiết yêu bằng tình cảm chân thành, trái tim nữ thi sĩ Đỗ Mỹ Loan cứ phập phồng, thổn thức. Tình yêu đã mang đến cho chị đủ đầy những cung bậc cảm xúc. Đó là những rung động đầu đời của tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng: “Chiều nay anh sẽ ghé/ Dắt em dạo phố chơi/ Điện thoại anh bảo thế/ Tim em cứ bồi hồi/ …/ Chiều ơi… sao chậm đến?/ Nắng bên hiên thì thầm/ Lần đầu tiên hò hẹn/ Có phải người trăm năm?” (Rộn rã khúc tình ca). Những phút giây yêu thương ấy thật đẹp và mộng mơ biết nhường nào: “Em áo trắng thướt tha/ Hai bím tóc mượt mà/ Cỏ may vờn lối nhỏ/ Ánh mắt người diết da/ Tập thơ mỏng người trao/ Cho ngẩn ngơ má đào/ Em còn ngây thơ lắm/ Vẫn mơ hoài ca dao” (Chơi vơi ngày mưa). Yêu nhau thiết tha, chân thành là vậy song tình yêu cũng như cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy đến, tình yêu ra đi để lại cho Mỹ Loan bao nỗi tủi hờn, xót xa, tiếc nuối: “Chuyến đò ngang chiều nay sao vắng vẻ/ Chỉ mình em và ông lái im lìm/ Ngó quẩn quanh em dáo dác kiếm tìm/ Người một thuở không thấy đâu hình bóng?/ …/ Tiếng sóng nước gõ vào hồn khô khốc/ Vắng bóng người cho đầy nỗi nhớ nhung/ Chuyến đò ngang chiều nay bỗng chạnh lòng/ Trong góc nhỏ con tim như hờn dỗi…” (Trĩu nặng nỗi niềm riêng). Khi đã yêu Đỗ Mỹ Loan luôn yêu bằng cả trái tim mình, dẫu năm tháng qua đi, dẫu không gian chia cách thì hình bóng người xưa vẫn yên đậm trong tâm trí. Trong tập thơ này chị viết nhiều về một thời đã xa mà giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, chỉ còn là kỷ niệm được cất giữ nơi đáy tim. Nơi phương trời nao người có biết cô gái năm nào vẫn tha thiết gọi tên: “Mây tím phủ giăng một khoảng trời/ Nghĩ về ngày cũ chợt chơi vơi/ Hẹn hò một thuở giờ tan tác/ Cúi mặt rưng rưng giấu ngậm ngùi/ Đêm đã thênh thang bóng tối đầy/ Một mình đơn độc bởi trùng vây/ Thiên hà thăm thẳm dìu em bước/ Người ở xa vời… hỏi có hay?” (Lạc bước em rồi giữa quạnh hiu). Ai đã từng yêu và đã từng tan vỡ trong tình yêu mới hiểu được nỗi cô đơn, trống vắng, mới biết thế nào là những đêm thức trắng, vò võ canh trường. Bóng hình xưa giờ đây đã cách biệt trùng trùng, không phải cách biệt của không gian địa lí mà cách biệt của cõi lòng mới chính là điều xót xa nhất. Thơ tình vốn đã hấp dẫn người đọc, thơ tình Mỹ Loan phảng phất nét u hoài lại càng khiến cho độc giả phải chìm đắm vào ý thơ, tình thơ. Người đời thường nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” bởi những mối tình không đỗ bến mới có thể làm cho người ta nhớ mãi khôn nguôi. Trong thi tập này Mỹ Loan viết nhiều về mùa thu bởi mùa thu đẹp dịu dàng, mùa thu gợi lên nỗi buồn man mác chạm đến nỗi niềm sâu thẳm trong tâm hồn. Đứng trước mùa thu dường như chị tìm thấy bản ngã của mình, sống thật với cảm xúc của mình chứ không gồng mình lên để chế ngự cảm xúc: “Em xuống phố, phố đã chìm trong mắt/ Tối mịt mờ nào thấy dáng thân quen/ Lối em qua hắt vàng vọt ánh đèn/ Thu bịn rịn vừa nói lời từ biệt/ …/ Em xuống phố, nỗi buồn sao nặng trĩu?/ Lá lao xao cho nhung nhớ ùa về/ Chớm đông rồi nghe buốt giá tái tê/ Màu thơ vận tủi hờn pha tím thẫm.” (Lang thang xuống phố). Có những nỗi niềm sâu thẳm nhà thơ chỉ biết tâm sự cùng thu, gửi vào gió thu: “Vòm trời xanh ngắt thênh thang/ Sợi tơ óng ả mơ màng trên cao/ Gió đùa hoa lá xôn xao/ Ta cô đơn giữa bể dâu cuộc đời” (Tản mạn cuối thu). Khi tình yêu ra đi, trái tim Đỗ Mỹ Loan nhói đau song chị đã chọn cho mình giải pháp là sẽ chôn chặt mối tình ấy vào một nấm mồ không tên, để cho kỷ niệm ngủ yên. Chị đã vịn câu thơ mà đứng dậy, nhìn về phía mặt trời với những tia nắng ấm áp: “Hãy đứng lên đi về phía mặt trời/ Biết đâu chừng nụ cười tìm lại được/ Cho vần thơ thôi không còn sướt mướt/ Cùng lá hoa dệt khúc hát rộn ràng” (Đi về phía mặt trời).

Là một người phải chịu nhiều thiếu thốn về tình cảm, hơn ai hết Mỹ Loan trân trọng biết bao tình cảm gia đình. Đặc biệt đối với những bậc sinh thành chị luôn một lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc. Chị thường tự trách mình chưa kịp báo đáp công ơn như trời biển của ông bà, mẹ cha, trong lòng chị thấy băn khoăn, day dứt: “Khi Mẹ mất con hãy còn đỏ hỏn/ Ngoại một tay chăm sóc ẵm bồng/ Bên lời ru vời vợi mênh mông/ Con lớn lên giữa ầu ơ nhịp võng/ Ngoại nhọc nhằn tháng ngày trong cuộc sống/ Lặn lội thân cò nuôi đứa cháu mồ côi/ Chạy chợ kiếm cơm gan ruột rối bời/ Nhà lá đơn sơ thiếu sau hụt trước” (Đóa hồng tặng Ngoại). Cuộc sống bình thường đã nghèo khổ khi bão lũ về càng nhàu nát tim gan: “Trắng đồng thác lũ mênh mông/ Vai mẹ trĩu nặng long đong tháng ngày/ Đói no cơm độn sắn khoai/ Bão chồng thêm lũ đắng cay bội phần” (Thương mẹ ngày thác lũ).

Giữa cõi trần còn nhiều lắm những đục trong, thị phi, Mỹ Loan đã tìm đến với Phật pháp để quên đi những yêu, ghét, giận hờn, để giũ hết những sân si, những hư ảo của đời người: “Sân si, ngã mạn, não phiền…/ Băng qua lối rẽ tâm thiền nở hoa/ Chong đèn giữa cõi Ta bà/ Giũ cho trôi hết ngọc ngà ảo hư.” (Chong đèn ngồi ngắm vô minh).

Nếu không thiết tha yêu cuộc sống, nếu không có tâm hồn yêu thơ ca và một tấm lòng bao dung, vị tha thì có lẽ Mỹ Loan đã không thể viết được những vần thơ làm rung động trái tim độc giả đến vậy! Cõi thơ của chị mênh mông, rộng dài thật khó có thể đi hết. Quý độc giả hãy đọc và tự cảm nhận, khám phá theo cách riêng của mình. Xin chúc cho hồn thơ Mỹ Loan sẽ tiếp tục thăng hoa để mang đến cho bạn đọc xa gần những bữa tiệc thi ca đong đầy cảm xúc.

BBT văn phòng sách & tri thức Việt

Minh Côn



05. CẢM NHẬN CỦA HUỲNH XUÂN SƠN  VỚI BÀI THƠ MÀU TANG TÓC


Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Màu Tang Tóc Của Tác Giả Hoàng Thị Lãng Mây

Cơn bão tàn ác số 10 đi qua chưa được mấy ngày…gieo bao tang tóc đau thương. Bao vết thương chưa kịp lành lại…Cơn bão số 11 ập đến kinh hoàng hơn dữ dội hơn, cướp đi mạng sống của những người dân vô tội…Và lũ về sau bão đã cuốn theo bao ngôi nhà bao mồ hôi nước mắt của dân nghèo vùng lũ….Coi thời sự vừa xong mở trang thơ ra…đập vô mắt tôi là tựa đề Màu Tang tóc….lại gì nữa đây? Tôi hỏi và bấm vô…Hoàng Thị Lãng Mây…Một dòng thơ nhẹ nhàng lãng mạn sao lại có Màu Tang Tóc….và tôi bắt đầu tìm hiểu Màu Tang Tóc của chị

Sáng hôm nay Quảng Bình đầy nấc nghẹn
Bao đau thương do bão lũ ê chề
Tiếng khóc gào vang khắp nẻo đường quê
Khi tiễn biệt người ra đi vội vã

Lại là Quảng Bình…bão số 10 đã hoành hành mảnh đất này cùng với cơn bão lòng mất mát vì người con ưu tú vĩ đại của Quảng Bình và của cả dân tộc vừa vĩnh viễn ra đi….vậy mà ông trời bất công lại giáng tiếp một cơn bão cuồng nộ vào thời điểm đau thương này ….nỗi đau tứ phía bủa vây lên khúc ruột miền trung để đến nỗi một nhà thơ tình dịu dàng xưa nay.Phải viết những lời đớn đau…và kết tội “Quảng Bình đầy nấc nghẹn”. Là do “bão lũ ê chề”…gây lên cảnh “Tiếng khóc gào vang khắp nẻo đường quê”…tiếng khóc này “tiễn biệt người ra đi vội vã”…ai ra đi ? chị cho ta thấy trong khổ thơ tiếp :

Dòng nước lũ điên cuồng đầy nghiệt ngã
Cô xa rồi, xa mãi mãi từ đây !
Dáng thân thương bên lớp học bao ngày
Chăm dạy dỗ bầy thiên thần bé nhỏ

Trời ơi ! thì ra dòng lũ đã cướp đi Cô…. mà hàng ngày vẫn “Chăm dạy dỗ bầy thiên thần bé nhỏ”…Tại “Dòng nước lũ điên cuồng đầy nghiệt ngã” mà một cô giáo vốn có cuộc sống bình thường thôi đã.” gặp quá nhiều gian khổ” . Thế mà cô vẫn” một lòng vì nghiệp dĩ hy sinh”…Cô có cuộc sống khó khăn nhưng vì nghiệp dĩ…tại sao chị lại dùng chữ “nghiệp dĩ” ở đây để mà phải hy sinh….tôi có thể hiểu rằng cuộc sống và nghề nghiệp vốn đã vậy rồi…điều này thể hiện rõ ở hai câu kế tiếp
Ngày qua ngày trường lớp chốn thâm tình
Cùng đồng nghiệp sẻ chia niềm tâm sự

Cô không có hoài bão nào lớn lao hơn cái nghiệp đã chọn cho cô, cuộc sống bình dị của một nhà giáo cứ thế trôi đi nếu không có tai họa từ trời rơi xuống là cơn bão và dòng lũ đã cướp đi hai người cô giáo của đàn học sinh thân yêu. Cướp đi hai người đồng nghiệp của các thầy cô giáo khác…Nỗi mất mát được chị miêu tả rất tài tình …nhẹ nhàng nhưng sâu sắc..đơn giản nhưng nghĩa rộng…những vật dụng thân quen với môi trường học tập như “Bảng đen đó vẫn còn nguyên dòng chữ” và cô giáo đi rồi mà “ dáng cô bên bục giảng dịu hiền”….nếu còn cô trên bục giảng…thì sao lại có cảnh..trống vắng Thiếu cái nghĩa cử thân quen..hàng ngày.?

Đám học trò thờ thẫn chỉ lặng yên
Trên gương mặt thất thần đầy nước mắt

Giờ thì tôi đã hiểu được tại sao dáng cô còn bên bục giảng …Bởi quá đau thương nên “thất thần” và tưởng như…

Chị đã khiến tôi bất ngờ ở khổ thơ này…bởi cuộc sống tôi đã vài lần chứng kiến những đau thương mất mát bất ngờ .Nên tôi cảm nhận rất rõ hai câu thơ này của chị….mất mát quá lớn quá bất ngờ, khiến ta chỉ còn biết “yên lặng” và mắt”… “Trên gương mặt thất thần đầy nước.

Nỗi mất mát đâu chỉ của thầy và trò của trường Tiểu học Liên Trạch, Huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Mà nó là nỗi mất mát đau thương chung của biết bao trái tim biết rung cảm trước nỗi đau của nhân loại…tác giả đã rất thành công khi chị viết khổ kết

Cô về đâu giữa đôi dòng nước cắt
Cuồn cuộn trôi xa khuất nẻo chân trời ?
Trường lớp buồn, tường bạc phếch màu vôi
Bao tang tóc ngập tràn ngôi trường nhỏ !

Ở đây chị đã đưa người đọc đồng cảm với nỗi đau chung của thầy trò ngôi trường nhỏ…Nỗi đau trong trái tim chị một nhà giáo ưu tú…nỗi đau đó nó lan sang tôi bắt đầu từ Màu Tang Tóc …chị lên án chị căm phẫn chị gào thét theo cách riêng của mình…nhưng tôi vẫn thấy hình ảnh cuồn cuộn dữ dội trong Bão của tác giả Huỳnh Ngọc Tự trong thơ chị….tôi như nghe Bão “Nhai xương lũ cây xanh nghe răng rắc”*…tôi như thấy “Nước há mồm….Nuốt chửng”* tất cả những gì nó đi qua

Và tôi vẫn thấy:

“ Lưỡi hái tử thần
Chầu chực suốt sớm trưa
Cướp đi sinh mạng những con người bạc phước
Cái khủng khiếp lao về từ muôn hướng
Muốn nhấn chìm …”*

Hai bài thơ hai cách viết khác nhau , hai nhịp thơ khác nhau .Bão thì có nhịp thơ như tiếng bão được viết ra từ nỗi lòng của một Người yêu thơ lãng tử từng trải…Và Màu Tang Tóc ….lại thể hiện một cơn bão lòng đau đớn với nỗi đau cuồn cuộn của một nhịp thơ như nước lũ kéo về…không gầm gào như bão mà từ từ nuốt chửng tất cả một cách bất ngờ…Được viết ra từ trong tâm của một nhà giáo ưu tú....

Nhưng cả Bão và Màu Tang Tóc đều cho tôi một cảm nhận giống nhau.Sự khủng khiếp của thiên tai. Sự mất mát của con người và nhất là những người dân nghèo.

Màu Tang Tóc được tác giả Hoàng Thị Lãng Mây viết ra với tất cả tình cảm niềm tiếc thương với đồng nghiệp và chia sẻ với thầy trò của trường Tiểu học Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn thấy được sự căm phẫn với thiên tai…sự chia sẻ với người dân vùng bão lũ . Đang ngày đêm bị thiên tai hoành hành dữ dội…trong thơ chị, trong trái tim một người yêu thơ đa cảm

Chị đã thành công khi đưa được nén hương lòng này tới độc giả , trong đó có tôi và chắc chắn nó sẽ đến được nơi mà chị muốn chia sẻ những đau thương mất mát.Đây là lời chia sẻ của tác giả chị đã ghi ở dưới tựa bài “Nén tâm nhang tưởng nhớ hai giáo viên Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Thị Đinh Hương trường Tiểu học Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị nước lũ cuốn trôi ngày 16/10/2013)”


06. BẮT GẶP TRĂM NĂM - CẢM TÁC HOÀI NIỆM THÁNG NĂM



Người ta thường nói “trăm năm” để gợi nhắc về đời người. Đối với những người hoài niệm, “trăm năm” là vô thường. Đối với nữ thi sĩ Đỗ Mỹ Loan, “trăm năm” còn là một “cõi thơ”, một miền hư ảo trong tâm hồn, là cả quá khứ, hiện tại và tương lai, là cả kiếp trước và kiếp sau… Có lẽ vì là một người mang nhiều tâm sự và có đời sống nội tâm vô cùng nhạy cảm cho nên cảm tác thời gian mới vô cùng sâu đậm trong tập thơ Bắt gặp trăm năm của tác giả Đỗ Mỹ Loan. Có những cuộc gặp gỡ tưởng như là định mệnh, như đã chờ từ kiếp trước nhưng không thể gắn bó. Cảm nhận về cuộc gặp trăm năm càng sâu nặng thì cảm giác mất mát, hụt hẫng càng dâng cao khi phải chia xa: “Trăm năm vừa bắt gặp/Thoáng chốc lại lìa xa” (Bắt gặp trăm năm). Nỗi đau mất mát, lỡ làng của mối tơ duyên dang dở còn trở đi trở lại trong nhiều bài thơ khác của tác giả. Vẫn là hai chữ “trăm năm” ấy, nhưng là viễn ảo về tương lai của người con gái mộng mơ: “Tưởng là trăm năm để lòng thổn thức/ Nguyệt lão se duyên cho đến bạc đầu” (Đâu phải tại thời gian). Một chữ “tưởng” thôi đủ nói lên bao chua xót, đủ phá vỡ giấc mơ thiếu nữ và ám ảnh mãi tới nhiều năm sau. Khi yêu, người ta “tưởng”, người ta mơ biết bao nhiêu viễn cảnh đẹp đẽ, trong đó có giấc mơ trăm năm, giấc mơ bạc đầu tri kỉ,… Nhưng thực tại phũ phàng khiến lòng người vụn vỡ: “Ngỡ ngàng hai mươi năm sau/ Mỗi đứa một phương trời cách biệt/ Gọi tên nhau ngập tràn nuối tiếc/ Chuyện trăm năm như nước chảy qua cầu” (Đâu phải tại thời gian). Cảm tác về sự lỡ làng, chia xa xuyên suốt cả tập thơ, đi theo mỗi bước chân của thi sĩ. Cho nên, ngay giữa Sài Gòn tấp nập, ồn ào, nhà thơ Đỗ Mỹ Loan vẫn cảm thấy một khoảng trống mênh mông sâu thẳm của nỗi nhớ, nỗi buồn: “Sài Gòn/ lê bước âm thầm/ Hỏi người một thuở/ tri âm đâu rồi?”. Như con sóng ngầm, nỗi nhớ xoáy sâu rồi trào lên dữ dội: “Gọi tên nỗi nhớ/ vỡ òa trăm năm” (Sài Gòn nỗi nhớ trăm năm). Cứ thế, duyên đời vận vào duyên thơ, mới có lời Ngỏ rằng: “Vô tình/ bắt gặp trăm năm /Hữu duyên / lục bát/ gieo nhầm vần thương/ Rồi xa/ diệu vợi con đường/ Vần thơ từ ấy/ biết/ tương tư người”. Chắc hẳn tác giả phải có một tâm hồn đa sầu đa cảm lắm mới có những vần thơ tinh tế và nhiều rung cảm như vậy. Ấy vậy mà, tác giả lại không muốn được gọi là “nhà thơ”: “Đừng gọi tôi là nhà thơ/ Vì nhà thơ cứ lãng đãng như mây/ Tôi thích được gọi là nhà giáo/ Sống an yên bốn mùa nơi ốc đảo” (Đừng gọi tôi là nhà thơ). Có lẽ tác giả cũng “sợ” chính sự nhạy cảm của mình. Những sợi dây cảm xúc quá mong manh khiến nữ thi sĩ sợ lòng như mây, dễ bị gió cuốn. Tác giả Đỗ Mỹ Loan còn có biệt danh là Hoàng Thị Lãng Mây. Chữ “lãng” vừa có nghĩa là trôi nổi vô định, vừa có nghĩa buồn rầu, bi thương. “Lãng mây” là một đám mây phiêu du mang nhiều tâm sự chăng? Ngoài việc thấy mình như “lãng mây”, tác giả còn nhiều lần dùng từ “ốc đảo” để chỉ thế giới nội tâm của mình. Có lẽ đó cũng chính là thế giới thơ của thi sĩ, một miền thơ hư ảo, bồng bềnh, khiến độc giả vừa muốn bước vào khám phá, lại vừa e ngại chạm vào nỗi niềm riêng. Đối với thi sĩ, thơ vừa là thú vui tao nhã của cô giáo tuổi hưu, để thỏa nỗi niềm yêu con chữ vừa là tri kỉ của tâm hồn, mang dáng điệu “vô thường”. Với hơn 18 tập thơ đã xuất bản, tác giả vẫn khiêm tốn, không nhận là nhà thơ. Sự nghiệp ấy, với thi sĩ, vốn chỉ là một cuộc ruổi rong đi tìm bản ngã, đi tìm quá khứ: “Cùng thơ/ làm cuộc ruổi rong/ Rày đây mai đó/ thong dong cuối đời/ Biết đâu/ tìm lại nụ cười/ Biết đâu/ tìm được khoảng trời dấu yêu” (Cùng thơ làm cuộc ruổi rong). “Thơ” nhiều lần được nhân cách hóa như một người đồng hành gánh hành lý thương nhớ, buồn tủi cho thi sĩ. Bởi vậy mới có trang thơ “tủi phận”, câu thơ “đi lạc”, dòng thơ “đợi chờ”, tứ thơ “chơi vơi”, hồn thơ “lạc lõng”, con chữ “võ vàng”, nhịp thơ “gãy vụn”… Bởi vậy mới có những lúc phải “cõng thơ lên núi”, rồi lại “cõng thơ qua cõi ta bà”…
Một góc rất nhỏ trong tập thơ, bốn bài thơ thời sự của tác giả đã kéo độc giả về với thời cuộc, với sự kiện toàn cầu lớn nhất những tháng cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020 – dịch cúm Vũ Hán, Covid 19. Chỉ bốn bài thơ thôi nhưng hội tụ đủ cả cảm xúc xót xa, tang thương; nỗi lo sợ ngày mai, nỗi cô đơn những ngày toàn quốc cách ly; lời trách giận “con virus” tai quái… Đây sẽ là những dấu ấn lịch sử không thể nào quên với đất nước và toàn thế giới. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ cả tập thơ vô cùng thê lương nhưng không… Ấy là cảm tác của người thi sĩ mang nhiều tâm sự đem trút vào thơ. Sau cùng, cuộc đời vẫn còn rất nhiều mến yêu, rất nhiều điều lấp lánh. Độc giả sẽ thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn với những câu thơ tươi mát, réo rắt như thế này: “Dắt thơ dạo phố/ ngát miền hương hoa… Con tim / khe khẽ nói lời yêu thương/ Trang thơ/ khép lại nỗi buồn” (Khép lại nỗi buồn). Bởi cuộc đời còn có những tia nắng, còn có những sắc hoa và những mùa xuân tươi sáng nên từ nơi “ốc đảo” vẫn rộn rã những tin yêu: “Vỡ òa/ sợi nắng sáng nay/ Hình như vui lắm / giữa ngày chớm đông/ Cảm ơn/ vàng nắng lung linh/ Cho ta tìm lại / bóng hình của ta” (Cảm ơn vàng nắng lung linh). Tập thơ Bắt gặp trăm năm của tác giả Đỗ Mỹ Loan không dành cho những người “sống vội”. Tập thơ là để nhâm nhi, để lắng lòng. Bởi vậy, dù là viết theo thể thơ 4 chữ, 5 chữ hay lục bát, tác giả đều có cách ngắt dòng rất độc đáo, tạo nên giai điệu chậm rãi, phiêu bồng. Có những câu thơ lục bát ngắt nhịp 2/4 – 4/2/1/1, tạo cảm giác như giọt cảm xúc đang rơi. Những câu thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tạo nên những trường liên tưởng siêu thực: “Nỗi sầu đánh võng”, “Tiếng trăng non thầm thì” hay “Lời cầu kinh xé nát mảnh hồn hoang”… Sau cùng, xin dành những cảm nhận riêng cho độc giả khi đọc Bắt gặp trăm năm. Có lẽ mỗi người sẽ tìm thấy sự đồng điệu nào đó trong lớp lớp xúc cảm của thi sĩ. Trân trọng cảm ơn tác giả đã đem đến cho đời những giai điệu đẹp của tâm hồn. (Thục Anh)




07. ĐỌC VÀ CẢM NHẬN : “BA MƯƠI NĂM...NHỚ VỀ EM” CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY


Lời hứa đối với mọi người luôn là niềm ưu tư cần phải trả như một món nợ. Và lời hứa càng khắc khoải da diết bội phần hơn nữa khi đươc đưa ra trước linh thiêng người đã khuất. Một ngày chưa trả xong món nợ ân tình đó là một ngày tâm hồn họ bị cào xé dằn vặt. Ba mươi năm là cả một quãng thời gian rất dài ,và lê thê trong đó cùng nỗi dày vò khắc khoải với kỷ niệm và lời hứa trước linh thiêng đồng đội đã tích tụ tình cảm mãnh liệt cho tác giả Hoàng Thị Lãng Mây bật ra bài thơ :
Ba mươi năm…nhớ về em!

Một ngày tháng tư
Nắng vàng ủ lửa
Ghé Kongpong Cham
Như một lần đã hứa
Cùng em

Ba mươi năm em ngủ giấc êm đềm
Chẳng buồn phiền, lo toan, mặc cả
Ba mươi năm thời gian nhanh quá
Trở về đây
Lẩn khuất bóng hình xưa

Cánh rừng này mỗi sáng nắng chiều mưa
In dấu chân em cùng bao đồng đội
Những buổi hành quân cồn cào bụng đói
Hái trái gùi xanh nhai với lá rừng
Tạm no lòng giây phút dừng chân

Ba mươi năm chẳng biết đến bao lần
Nhớ thương em không ngăn dòng nước mắt
Máu em đổ dưới ngông cuồng đạn giặc
Xác thân em giờ trôi dạt tận nơi đâu?

Cánh rừng xưa thành đồng ruộng mỡ màu
Giặc tan rồi… đất hồi sinh trở lại
Hãy ngủ yên bên ngọt ngào hoa trái
Thanh thản lòng làm bạn với trăng sao

Ghé thăm em mà nước mắt tuôn trào
Ba mươi năm như mới vừa qua ngõ
Thắp nén nhang gởi theo ngàn hoa cỏ
Kongpong Cham…còn đó xác thân em…


Bài thơ tự do năm khổ, với độ dài mỗi câu và số câu trong mỗi khổ khác nhau như một giai điệu trầm tư trong lòng tác giả suốt bao năm nay mới bật thành lời bản nhạc. Bản nhạc thơ chất chứa bao nỗi niềm , da diết về kỷ niệm ,khắc khoải lời hứa từ con tim, cả những xót xa dằn vặt của người còn sống sau cuộc chiến...
Chiến tranh luôn gắn liền mất mát. Cuộc chiến dẫu qua thì những người tham chiến vẫn còn chiến đấu mãi với mất mát cả tâm hồn lẫn thể xác. Vết thương cơ thể có liền da nhưng vẫn âm thầm nhức buốt. Dẫu có ru đời sống tiếp thì tâm hồn vẫn có những khoảng trống mênh mông
Tác giả ru nhạc thơ như ru cuộc đời mình
Một ngày tháng tư
Nắng vàng ủ lửa
Ghé Kongpong Cham
Như một lần đã hứa
Cùng em
Khổ thơ như một điệu ru cho một thời máu lửa vẫn luôn âm thầm khắc khoải trong lòng tác giả mà "em" là đại diện. Hai nốt cuối " cùng em " chùng xuống khiến ta chơi vơi như rơi vào khoảng trống mênh mông trong lòng tác giả.
Bản nhạc thơ dẫn đi ở thì hiện tại. Tác giả đang tâm sự với lòng mà trong đó là em:
Ba mươi năm em ngủ giấc êm đềm
Chẳng buồn phiền, lo toan, mặc cả
Ba mươi năm thời gian nhanh quá
Trở về đây
Lẩn khuất bóng hình xưa
Giai điệu du dương khắc khoải như một lời tự sự , có phần lên cao ở cuối câu 3 " nhanh quá" để nhấn cho khổ thơ với niềm luyến tiếc thời gian trôi.
Em đối với tác giả như người thân ruột thịt ,là đồng đội ,là một phần máu thịt của chính người. Cách tác giả nói về em không như người đã khuất. Em vẫn ở đây với đủ đầy vụn vặt đời thường, chỉ bớt lo toan vì đang yên giấc ngủ.
Bản nhạc thơ tiếp đi vào những kỷ niệm một thời hào hùng của tác giả, những kỷ niệm rõ ràng như chưa từng phủ bụi thời gian ,dù là đã ba mươi năm đằng đẵng
Cánh rừng này mỗi sáng nắng chiều mưa
In dấu chân em cùng bao đồng đội
Những buổi hành quân cồn cào bụng đói
Hái trái gùi xanh nhai với lá rừng
Tạm no lòng giây phút dừng chân
Nhạc điệu bây giờ có phần rộn ràng hơn với nhịp đập của những kỷ niệm hành quân
Những ký ưc xưa ùa về trong lòng tác giả. Những kỷ niệm làm nửa đêm chợt bàng hoàng tỉnh giấc "ôm choàng hụt một vòng tay " những kỷ niệm luôn ám ảnh khiến giọng thơ thiết tha dạt dào . " những cánh rừng" những buổi hành quân ,trái gùi xanh,cồn cào bụng đói", những kỷ niệm một thời vất vả nhưng hào hùng.
Ba mươi năm chẳng biết đến bao lần
Nhớ thương em không ngăn dòng nước mắt
Máu em đổ dưới ngông cuồng đạn giặc
Xác thân em giờ trôi dạt tận nơi đâu?
Khắc khoải...và khắc khoải . Khổ thơ này đớn đau khắc khoải nhất trong toàn bài. Là tất cả nỗi lòng tích tụ lại của tác giả. Là khúc hát bi thương, là tiếng thét thảng thốt trong đêm trường. Cuối khổ là câu hỏi tự cảm thán vẫn luôn ám ảnh trong lòng và tác giả biết rằng chẳng có câu trả lời "Xác thân em giờ trôi dạt tận nơi đâu?"
Nhạc điệu nhanh và mạnh như nhịp thở hổn hển dồn nén và bung bật bởi những kỷ niệm giờ chẳng thể nào khóa chặt
Cánh rừng xưa thành đồng ruộng mỡ màu
Giặc tan rồi… đất hồi sinh trở lại
Hãy ngủ yên bên ngọt ngào hoa trái
Thanh thản lòng làm bạn với trăng sao
Nhịp điệu chậm dần lại sau khi bung tràn cảm xúc, trở nên tâm trạng khi truyền tải niềm khát vọng của tác giả ước mong điều tốt nhất cho Em hằng yêu quí
Khẳng định và hy vọng vào một thực tế đầy màu xanh cuộc sống. Tác giả mong muốn Em không hề mất đi mà chuyển vào tự nhiên bằng cách này hay cách khác.
Ghé thăm em mà nước mắt tuôn trào
Ba mươi năm như mới vừa qua ngõ
Thắp nén nhang gởi theo ngàn hoa cỏ
Kongpong Cham…còn đó xác thân em…
Nhạc thơ trầm buồn truyền tải nổi bi ai và day dứt
Tác giả giả đã về được với Em như lời đã hứa nhưng day dứt vì quãng thời gian ba mươi năm. Day dứt hơn vì xác thân Em không thể kiếm tìm nên nỗi đau dâng tràn lên khóe. Chỉ còn mong em yên nghỉ như một lời " tạ lỗi" cùng Em
Bản nhạc thơ trầm hẳn khi kết thúc khiến nỗi giằng xé nội tâm trong lòng tác giả còn kéo dài mãi sau khi kết thúc..
Bài thơ như bản nhạc khi trầm buồn khi tha thiết lúc nhanh mạnh dồn nén khiến người đọc như say sóng đê mê. Cám ơn tác giả bài thơ đã cho tôi đọc bài thơ hay đầy tâm trạng.
Bài cảm nhận cá nhân chắc có nhiều sai sót . Mong tác giả và bạn đọc thông cảm bỏ qua cho.
Lehuutrong 13/5/2015




08. BỖNG DƯNG MÙA THU NHỚ





Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ Của Tác Giả Hoàng Thị Lãng Mây



Ngày chưa gặp chị ngoài đời. mà chỉ gặp chị qua thơ, tôi đã hình dung ra chị một người phụ nữ dịu dàng đằm thắm nhưng luôn phảng phất quanh chị là nỗi buồn man mác.Nay có duyên gặp gỡ cùng chị…quả thật giác quan thứ sáu của tôi đã không sai.

Hoàng Thị Lãng Mây.Bút danh và con người thật ngồi trước mắt tôi như hai mà một…như một mà hai…Mềm mỏng, dịu dàng, nhẹ nhàng pha chút yếu đuối .Đặc biệt khi chị cất giọng đọc thơ bằng chất giọng nam bộ càng cuốn hút tôi hơn.Những vần thơ mượt mà bay bổng, nhưng chứa nặng tâm tư tình cảm xuất phát từ trái tim của người phụ nữ đa sầu đa cảm…

Tôi đã đọc thơ chị từ những ngày đầu, chị mới lên Thi Đàn Việt Nam. Chị viết đa dạng đủ thể loại thơ .Nhưng tôi yêu thích nhất dòng thơ tình của chị được viết theo thể thơ tự do-(8 chữ).

Trong hàng trăm bài thơ ấy, tôi đặc biệt yêu thích bài thơ “Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ”.Nỗi niềm trong chị có lẽ gắn bó rất nhiều với mùa Thu. Nên những vần thơ của chị nhẹ nhàng, bay bổng mượt mà và thổn thức như tiếng lòng của chị vậy.

Buổi sáng nay trời dìu dịu heo may
Chân bước nhẹ lao xao trên lá cỏ
Gió mùa thu hanh hao từng nhịp thở
Cho yêu thương xao xuyến rủ nhau về

Mùa Thu đến với chị vào buổi sáng… chị mới thả lòng mình theo “Gió mùa thu…”thôi mà đã khiến chị phải “Hanh hao từng nhịp thở”…và khi trái tim nấc nghẹn ấy sẵn sàng cho ký ức quay về …thì “Yêu thương xao xuyến rủ nhau về”.Làm cho trái tim mềm yếu và nỗi niềm thường trực trong tâm trí chị. Mở khóa ngăn ký ức từ những mùa thu trước để dẫn dắt ta ngược dòng thời gian xa lắc, đến tận “thuở hồng hoang”…ngày ấy trời đất còn gần nhau và :

Mùa lại mùa tiếp nối những cơn mê
Ta chợt nhớ mùa thu nào xa lắc
Thuở hồng hoang trời thật gần với đất
Mãi tự tình cho tím thẫm màu mây

Tôi ngầm hiểu có lẽ đây là ký ức về một mối tình thơ mộng…được chị ví như trời và đất “Mãi tự tình cho tím thẫm màu mây”…Một mối tình buồn- tôi như nghe chị nói với mình bằng ngôn ngữ của thơ ca như vậy….Và thường cuộc tình buồn sẽ là những vết cắt trong tim không dễ liền sẹo mà không phải chỉ riêng chị, mà với bất cứ ai dù nam hay nữ cũng vậy…Có lẽ chị cũng cảm nhận thế cho nên ….

Hôm nay thu về ngang cửa…chị cứ ngỡ như thuở nào. “Vẫn là ta thuở ấy dáng hao gầy”. Ôi sao chị không nhớ tới dáng vẻ đẹp nhất của mình khi đang yêu, mà lại nhớ đến “Thuở ấy dáng hao gầy”… từ nỗi nhớ này của chị tôi nghiệm ra rằng cuộc tình này có lẽ là lát cắt đớn đau nhiều lắm trong tâm hồn chị…. Cho nên chị đi qua năm tháng của đời mình bằng hình ảnh “Vương tóc rối tháng ngày qua thật khẽ….” Càng đi sâu tìm hiểu vào góc khuất này.Tôi càng thấy chị nặng lòng lắm với tình yêu với “người ấy” đến nỗi .Gió heo may nhè nhẹ về làm lay động đám lá vàng ngoài kia cũng làm cho chị liên tưởng tới hình ảnh : “Thoáng ai bước ngoài hiên nghe rất nhẹ”.

Và khi hình dáng của người ấy ùa về trong chị .Khiến lòng chị nao nao đến nỗi “hồn thơ man mác buổi giao mùa.” “Người ấy” về nỗi nhớ cũng về theo khiến chị nhớ đến “những buổi hẹn hò xưa”. Với mái tóc thề bay trong gió cùng “Tà áo tím..”.Những hồi ức đẹp trỗi dậy trong chị nó hòa vào hồn từng câu thơ khiến tôi cũng thấy “ấm áp” theo “Người là gió mang hương đời ấm lạ” đã cho chị cảm giác. “ hồn ngây ngất những men say !”Mùa thu khiến cho chị không chỉ nhớ từ sợi tóc rối,Những lời tự tình…đến dáng ai ngoài song cửa…Đến hơi ấm nồng nàn và chưa hết …Khi mà chị cảm nhận thu đến gần nữa thì :

Trời vào thu lá vàng úa phủ đầy
Mắt bỗng nhớ ánh nhìn đầy tha thiết…

Chắc hẳn đây là ánh mắt nồng nàn tình tứ, ánh mắt của yêu thương, của ngọt ngào âu yếm.Ánh mắt khiến chị đã mang theo suốt “mùa lại mùa”.và mỗi khi Thu về thì chị lại

Đếm trên tay đã bao mùa ly biệt
Ký ức buồn cất giữ ở trong tim !

Khi chị đã viết cả bài với nỗi lòng nhìn thấy mùa thu thôi mà đã “Hanh hao từng nhịp thở”…Vậy mà chị vẫn gói ghém từng kỷ niệm của cuộc tình…cất vào trong tim dẫu kỷ niệm ấy chẳng hề vui. Nên tôi không hề ngạc nhiên khi chị viết :

Gọi tên người khe khẽ biết bao đêm
Mùa thu ấy nay đã thành cổ tích
Khung trời cũ giờ xa xôi mù mịt
Sáng thu này da diết nhớ thu xưa !

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao chị lại lấy tên “Bỗng dưng mùa thu nhớ”…Chị muốn đánh lạc hướng người đọc…là “bỗng dưng” thôi chứ không phải là thường trực trong tim đâu. Nhưng cả bài thơ thì không giống chị đặt đầu bài ….bỗng dưng thì không thể lôi ra cả những ký ức từ “thủa hồng hoang”…không thể có những nỗi buồn da diết đến vậy…và bỗng dưng thì không thể nhớ nhiều đến vậy?phải không tác giả….?

Tôi đã hóa thân vào ký ức tình yêu của chị…để cảm nhận …để thổn thức cùng chị và nhớ cùng chị …Và quan trọng là để cảm nhận bài thơ mà chị gửi mình trong đó…tôi không phải nhà phê bình thơ, không phải nhà văn nhưng vì yêu thơ và đặc biệt bài thơ này của chị . Nên tôi đã viết theo cảm nhận của cá nhân tôi..Có thể tôi chưa hiểu hết những tâm tình của chị muốn gửi gắm vào bài thơ này….Tôi mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là một tình cảm đặc biệt của tôi trao cho vẻ đẹp dịu dàng, mượt mà thanh khiết… Của bài thơ “Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ”với góc nhìn của bạn đọc yêu thơ.



09. Lộc đời

 Tặng LM 


Lộc đời là những vần thơ
Cho ta sức sống đến giờ người ơi!
Chắt chiu từng chữ cuộc đời
Làm nên tiếng hát, nụ cười, nỗi đau…
Ước gì hái được một câu
Xanh tươi thơm tựa miếng trầu mời ai.

Phạm Hữu Lý



10. Thơ em
( tặng Lãng Mây)


Thơ em tinh khí ông cha
Thơ em hun đúc đậm đà hương quê
Thơ em một giọt sương khuê
Long lanh ngà ngọc đề huề mây trăng
Thơ em lòng dạ chị Hằng
Sáng trong tươi mát trải giăng nỗi sầu
Thơ em thấm đậm tình đầu
Hồn thơ man mác nhịp cầu không sang
Cây đa giếng nước đình làng
Thơ em mãi mãi là trang sử tình
Tình người em gái trung trinh
Thương Cha nhớ Mẹ vẹn tình Ngoại thương .



Nguyễn Viết Quế




11. ĐỢI ANH VỀ - LỜI HẬU PHƯƠNG











12. Thơ ơi…sao mãi cứ buồn


(tặng Mây Tím)

Sao em cứ dạo khúc sầu
Câu thơ buồn bã, nhuốm màu ly tan
Kỷ niệm xưa cứ đeo mang
Để cho thơ ướt hai hàng châu sa
Cuộc đời vui với thơ ca
Buồn đem kết lại thành hoa tặng đời
Mênh mông trong cõi đất trời
Gom buồn vui để dâng người yêu thơ
Dẫu là tỉnh, dẫu là mơ
Em khơi cảm xúc hồn thơ bao người
Vài câu cảm xúc thay lời
Xin đừng buồn giận…với người yêu thơ.


Phạm Ngọc Toàn




13. MÂY TÍM




Mây Tím vần thơ gửi cuộc đời
Như dòng sông chảy nước đầy vơi
Thuyền Quyên một mái lênh đênh sóng
Bóng Nguyệt từng đêm lộng lẫy trời
Vất vả tâm thành tình vẫn khép
Đau buồn dạ vững nghĩa luôn khơi
Lời cha ý mẹ luôn ghi tạc
Giữa buổi hoàng hôn tỏ ráng ngời.
04-3-2013

Đặng Quang Long

 


14. ĐỌC CỔ TÍCH


(Bài hoạ Cánh hải âu)



Tình xưa cổ tích mở trang đầu
Biển lộng xanh trời bóng hải âu
Truyện quý đem lòng thêm háo hức
Lời yêu cảm động hết âu sầu
Đêm thâu trải nhớ vào khăn lụa
Nguyệt tỏ đem vàng rắc nụ ngâu
Giấc mộng tràn mi màu đắm đuối
Tinh khôi nét chữ ngát hương dầu.
17-3-2013.

Đặng Quang Long



15. SẺ CHIA NỖI BUỒN


Nỗi buồn em bán tôi mua
Sẻ chia một chút chát chua nỗi buồn
Mong trời gió nổi mưa nguồn
Tôi mang thả hết về nguồn biển Đông
Cuộc đời sắc sắc không không
Để em còn lại nỗi lòng đầy vơi
Tháng ngày đầy ắp niềm vui
Chim ca hoa nở mây trôi bồng bềnh...

Đinh Hải Lợi




16. NỖI BUỒN EM... ĐỂ TÔI MUA



Rằng em vui thiếu, buồn thừa
Thế nên em mới bán mua nỗi buồn
Buồn em có đến nghìn muôn
Anh xin mua hết nỗi buồn nuôi thơ
Mặc đời là tỉnh là mơ
Có ai đến được bến bờ kiếp sau
Mai ngày nào biết về đâu
Cuộc đời dâu bể, bể dâu khôn lường
Trăm năm một cõi vô thường
Buồn vui từng khúc đoạn trường đấy thôi
Xin đừng bán rẻ người ơi
Buồn gom góp lại, đổi vui không chừng
Đời em gian khổ vô cùng
Ba chìm bảy nổi, bốn từng lênh đênh
Buồn em rao bán xông xênh
Anh xin mua cả… thi nhân … với buồn…!

Phạm Ngọc Toàn




17. CHỊ TÔI




HOÀNG HÔN GỌI NẮNG ban chiều.
Trong ốc đảo, biết bao điều ... lắng sâu.
Vần thơ muôn sắc muôn màu.
Buồn, vui... chị trải... những câu ... tự tình.

Viết về ... thủa mẹ cha sinh.
Viết về ... gia cảnh... đời mình... đi qua.
Bao nhiêu giông tố, phong ba.
Đoạn trường lắm nỗi xót xa vơi đầy.

Mẹ cha khuất bóng trời mây.
Ru em... quên tháng, quên ngày... thành quen.
Miệt mài, phấn trắng, bảng đen.
Thâu đêm ... chị thức... chong đèn... soạn văn.

Trang giáo án... chị trở trăn.
Khơi trong, chắt lọc mạch ngầm chuyên môn.
Bàn tay mười ngón tay thon.
Việc nhà, việc nước vẹn tròn cả hai.

Hoàng hôn chiều tím ngả dài.
Một mình một bóng, thương hoài, chị tôi.

Sài Gòn 17.02.2017 Vân Chu



18. Duyên nợ


Mỗi bận Xuân về đợi khách thơ
Ngàn hoa hò hẹn,ý Xuân chờ
Xuôi dòng lạc bút hòa chân thiện
Ngược bến đường thi rộn bến mơ
Sợi nhớ chênh chao miền ảo vọng
Giọt buồn chát đắng mộng vu vơ
Nợ duyên,duyên nợ nơi trần tục
Giữ nét gương trong mãi phụng thờ.

Phạm Xuân Thành








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:)) :(( :) :-ss =)) :( :d
@-) :p :-o [-( :-? :-t b-( =d>

Hướng dẫn viết nhận xét:
- Copy ký tự bên phải emo muốn chọn và dán vào khung nhận xét.
- Dán link ảnh trực tiếp vào khung nhận xét không cần dùng thẻ. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa.