30 tháng 4, 2019

NỖI NIỀM THÁNG TƯ 2







Lạnh lùng 
khép lại mênh mông
Ta bơ vơ 
giữa trập trùng vô minh

Nghe như 
rướm máu tim mình
Tận trong sâu thẳm 
muôn nghìn nỗi đau

Oằn lưng 
ruột thắt 
gan cào
Thả trôi theo gió 
sắc màu nhục vinh

Chắp tay 
cầu nguyện yên bình
Nam mô cứu khổ… 
hồi sinh trở về












NGẬM NGÙI THÁNG TƯ







Tháng tư ngồi nhớ bao dâu bể
Bút mực lặng câm tiếng nói cười
Thơ phú nhạt nhòa đôi ngấn lệ
Ngậm ngùi màu nắng đã xa xôi

Tháng tư chìm khuất giữa mù sương
Huyền thoại nghe sao lắm đoạn trường
Thảng thốt lời chim kêu áo não
Đâu rồi ngày ấy những yêu thương?

Tháng tư lạ lẫm bước chân hoang
Thành quách rêu rong giấc mộng tàn
Muốn khóc cho trôi đi tất cả
Mùa về phượng đỏ lật sang trang









29 tháng 4, 2019

TƯỜNG VI








Mới vừa
nở 
đóa tường vi

Bâng khuâng cánh mỏng
nhu mì 
dễ thương

Màu hoa
nhuộm tím góc vườn

Rạng ngời ốc đảo
thiên đường dấu yêu












28 tháng 4, 2019

NHỚ VỀ MÀU NẮNG XA XƯA








Ngang qua dòng sông ký ức
Nhớ về màu nắng xa xưa
Con tim quay quắt bao mùa
Thả trôi bẽ bàng cảm xúc

Tháng tư làm sao quên được
Chia tay lòng những nát tan
Người đi để lại điêu tàn
Còn đâu lầu vàng gác ngọc

Đêm đêm nghẹn ngào tiếng nấc
Khóc cho cuộc tình đắng cay
Khăn sô tủi phận tháng ngày
Cúi mặt u hoài tưởng vọng

Tháng tư nỗi niềm lắng đọng
Chỉ biết tự tình cùng thơ
Sớm trưa ru mãi câu hò
Ngàn năm đợi chờ cổ tích












27 tháng 4, 2019

NỖI NIỀM THÁNG TƯ








Tất cả rồi sẽ qua đi. Nỗi đau xé thịt da rồi sẽ dần tan biến. Tự nhủ thầm như thế để tôi có thêm sức mạnh bước vào ca phẫu thuật thay máy phá rung lần thứ ba.
Sáng 23/4, tôi dậy sớm và đi bộ bình thường như mọi ngày. Các bạn gởi tôi lời chúc ca phẫu thuật thành công và mong tôi gặp mọi sự tốt lành. Chia tay các bạn, tôi về nhà ăn vội gói xôi, uống ly cà phê sữa. Ngồi trước máy, tự dưng cảm xúc ùa về và bài lục bát Chờ ta về nhé tháng tư viết thật nhanh trong vòng 5, 10 phút như một lời hứa hẹn sẽ gặp lại sau tuần lễ nằm viện.
Đưa tôi đi nhập viện kỳ này là hai em và đứa cháu trai mà tôi cưng nhất. Gương mặt mấy em có vẻ đăm chiêu còn tôi thì tâm tư trĩu nặng. Đồng ý khoa học tiến bộ nhưng vẫn còn một phần ngàn sự rủi ro, bất trắc. Tôi cứ nghĩ lan man hết chuyện nọ đến chuyện kia. Giá ca mổ thất bại thì sao nhỉ? Tôi sẽ ra đi mãi mãi. Len lén nhìn các em, nước mắt tôi muốn ứa ra. Cháu ngồi kế bên nhìn gương mặt thiểu não của tôi liền trêu: “Cô Hai nhõng nhẽo kìa! Có gì đâu mà cô Hai sợ! Bao nhiêu lần rồi…”. Đúng! Bao nhiêu lần tôi nằm trên giường mổ. Nói chính xác tất cả đại phẫu, tiểu phẫu cũng 6 lần. Cái mùi ê te nồng hăng gớm ghiếc làm tôi chán ngấy. Tôi cười như mếu, không trả lời.
Đường phố Sài Gòn buổi sáng chật cứng xe cộ. Xe phải nhích từng chút một. Mặt trời đã lên cao. Tôi nhìn đồng hồ trên tay cháu: hơn 8 giờ rưỡi. Bên trái tôi, công viên Lê Văn Tám người đi bộ, chơi thể thao vẫn còn đông. Nói chung là những người lớn tuổi như tôi. Nhìn họ vô tư cười nói, tôi nghe thèm được tự do đi đứng, sinh hoạt vui chơi như họ. Còn bên phải tôi, con đường Hai Bà Trưng với chợ Tân Định tôi thường cùng cô bạn nhỏ đi mua sắm, ăn vặt. Thích nhất là quán chè Bà Mười cùng món cơm rượu xôi vò thật hấp dẫn. Rồi cửa hiệu Như Lan với vô số thức ăn ngon tuyệt vời như bánh giò, bánh bao, khoai mì hấp, bánh giầy kẹp chả quế… Cứ tưởng tượng mấy món ăn ngon làm bụng tôi cồn cào. Ước gì mình mổ xong rồi!…
Chẳng mấy chốc, Viện Tim đã hiện ra trước mắt tôi. Bệnh nhân ngồi chờ khám la liệt. Giao túi xách cho mấy em ngồi ở ghế chờ, tôi đến khoa Cấp cứu Nội tim mạch để trình diện. Đồng hồ ghi số 9:40. Em y tá Phương Linh giúp tôi hoàn tất thủ tục giấy tờ bảo hiểm. Giường chật kín người. Tôi ngồi đợi bác sĩ Văn trong cảm giác hồi hộp, mệt mỏi. Rồi cô y tá mang quần áo bệnh viện bảo tôi thay. Tôi được truyền nước. Mạch quá mỏng manh phải ba lần mới đưa kim vào được. Anh y công chuyển tôi qua xe lăn, đẩy vào khu vực phòng mổ. Hai em và đứa cháu lúp xúp mang túi xách đi theo, nhìn thật đau lòng. Tôi quay ngoắt lại dặn dò: “Ngồi đợi ở đây nghe!”
Cánh cửa phòng mổ lạnh lùng khép lại. Nhìn căn phòng rộng thênh thang với trang thiết bị tối tân, sạch bóng tự dưng tôi cảm thấy ớn lạnh, run bần bật. Nằm trên giường mổ, tôi lâm râm cầu nguyện. Mong mọi việc được tiến hành suôn sẻ…! Máy cũ lấy ra, thay máy mới vào… Chỉ dăm ba ngày chịu đau, chích kháng sinh, tập ngồi dậy nằm xuống một mình… Rồi tôi sẽ được xuất viện, trở về ốc đảo thân yêu, tiếp tục mơ mộng, làm thơ, vui chơi cùng đám thiên thần nhỏ bé…













23 tháng 4, 2019

CHỜ TA VỀ NHÉ THÁNG TƯ!








Chờ ta về nhé 
tháng tư!
Ngày mai 
rồi sẽ tạ từ nỗi đau

Vần thơ ơi, 
hãy dạt dào!
Mặc cơn sóng dữ 
ba đào bủa giăng!

Ngày mai 
quên hết nhọc nhằn
Vui cùng câu chữ 
tung tăng bên đời

Chờ ta nhé,
tháng tư ơi!
Vẫn còn đâu đó 
nụ cười chứa chan!








20 tháng 4, 2019

ĐỪNG HỜN TA NHÉ THÁNG TƯ!







Đừng hờn ta nhé 
tháng tư!
Con tim 
vướng phải sa mù 
ngẩn ngơ
Tội tình chi lắm 
vần thơ
Cứ hoài trông ngóng 
đợi chờ xa xăm

Bên rèm 
tựa cửa âm thầm
Thoảng nghe trong gió 
hồ cầm thở than
Ngày xưa 
hạnh phúc ngập tràn
Bây giờ 
chỉ thấy bẽ bàng ảo hư

Đừng hờn ta nhé 
tháng tư!
Thôi về xấp mặt 
tạ từ nỗi đau!
Chẳng lo 
sóng cuộn ba đào
Phượng hồng vừa ghé 
dạt dào tiếng thơ












16 tháng 4, 2019

TỘI CÂU LỤC BÁT VỠ ÒA







Tưởng rằng
ký ức chìm sâu
Quay lưng
giấu mặt
ngoảnh đầu lạ xa

Nhưng sao
nỗi nhớ mù lòa
Vẫn mong
vẫn đợi
vẫn da diết sầu

Vẫn mơ
hội ngộ mùa Ngâu
Hồ trường cạn chén
dãi dầu sẻ chia

Không dưng
nước mắt đầm đìa
Chỉ mình ta
với trăng khuya
nhạt nhòa

Tội câu lục bát vỡ òa
Rừng vây
núi chắn
mặn mà còn đâu?












13 tháng 4, 2019

CẢM ƠN MÙA HẠ








Chiều thứ bảy bơ vơ
Sợi nắng vàng đi lạc
Hạ nghiêng đầu bỏng rát
Thơ trốn biệt mất rồi!

Cùng mây trắng dạo chơi
Đỉnh đồi lao xao gió
Bâng khuâng rừng hoa cỏ
Ong bướm bay rập rờn

Đâu ngại gì cô đơn!
Chim líu lo giọng hót
Con chữ vui nhảy nhót
Cùng rượt đuổi tung tăng

Chiều thứ bảy rộn ràng
Tứ thơ êm đềm quá!
Không u sầu buồn bã
Không giọt lệ rưng rưng

Giấy bút chợt reo mừng
Nụ cười tươi tắn lạ!
Xin cảm ơn mùa hạ
Mang hạnh phúc theo về!






TỪ TẠ







(Cảm tác từ Bài tạ của nhà thơ HL – QN)




Thôi người đừng hờn trách
Hai lối rẽ bên đời
Con đường dài thẳng tắp
Mịt mờ phía xa xôi

Chẳng còn duyên còn nợ
Nhạt phai khúc giao mùa
Đừng lụy phiền than thở
Tình nào phải bán mua

Đừng nói lời cay đắng
Làm đau nhói con tim
Kỉ niệm hồng ngày tháng
Thôi vỗ về ngủ yên

Bao ngổn ngang quá khứ
Hãy khâm liệm tận cùng
Tình thiên thu một thuở 
Thả chìm phía mông lung

Vẫy tay chào từ tạ
Hoàng hôn đã xuống rồi
Nước mắt đừng lã chã
Nghẹn ngào phận cút côi









HÃY QUÊN HẾT ĐẮNG CAY!








Em giấu nỗi buồn vào cánh mỏng tường vi
Âm thầm chẳng lời oán trách
Chim vội bay về khoảng trời xa khuất
Để nơi này canh cánh nỗi niềm đau

Em giấu nỗi buồn vào triệu triệu vì sao
Tận thiên hà thăm thẳm
Thương làm sao ánh mắt nhìn đăm đắm
Mãi dỗ dành đừng giọt lệ trào tuôn

Em giấu nỗi buồn vào bãi vắng mù sương
Khi hoa lá trong vườn còn mơ màng giấc ngủ
Nhắm mắt xua đi nhọc nhằn quá khứ
Đã bao lần quặn thắt cả buồng tim

Ngày tháng cô liêu ăm ắp lụy phiền
Nghe nuối tiếc quãng đời đầy hư ảo
Xin cho em vượt qua ngàn giông bão
Và tình người nhạt thếch tựa như vôi

Xin cho em tìm lại được nụ cười
Sống an yên một mình bên ốc đảo
Buổi sớm mai dắt thơ vần đi dạo
Hoàng hôn về tâm sự với gió mây

Lòng dặn lòng hãy quên hết đắng cay!
Lòng dặn lòng hãy quên hết đắng cay!






11 tháng 4, 2019

KÝ ỨC THÁNG TƯ







Nhạt nhòa
màu nắng tháng tư
Ân tình ngày cũ
mịt mù phương nao?

Chia tay
lòng những nghẹn ngào
Ngoài kia sóng dậy
ba đào bủa giăng

Bể dâu
còn lắm nhọc nhằn
Tội cho thơ
phải bần thần
xót xa

Lẻ loi
áo lụa hoàng hoa
Cuộc tình một thuở
phôi pha đắng lòng

Bến xưa
lau lách chờ mong
Trách thay chim sáo
sổ lồng vội bay!...











09 tháng 4, 2019

LẠC LOÀI







Về đâu?...
Ừ nhỉ về đâu?
Mưa nguồn chớp bể
nỗi sầu còn nguyên!

Xuân phai
để lại ưu phiền
Ngóng Nam
trông Bắc
lệ viền héo hon!

Níu mây
gọi gió
mỏi mòn
Trăng sao vời vợi
sắt son nhạt nhòa!

Về đâu?...
Thăm thẳm truông xa?
Chỉ mình ta!
Chỉ mình ta!
Lạc loài!...













LỤC BÁT CÔ LIÊU







Buồn ơi,
sao chẳng tàn phai?
Luyến lưu chi
chuỗi tháng ngày ảo hư!

Đoạn trường
gảy khúc thiên thu
Trông vời bóng nhạn
mịt mù khuất mây

Hồ cầm
nắn phím
so dây
Ngọt bùi cho lắm
đắng cay cũng nhiều!

Qua cầu
bóng lẻ cô liêu
Áo bay
chợt nhớ
cuối chiều từ ly…












07 tháng 4, 2019

HOÀI NIỆM THÁNG TƯ







Mới vừa hội ngộ đã chia tay
Ngắm lá vàng rơi nhớ tháng ngày
Nhả chữ buông vần vui xướng họa
Giao mùa… hờ hững… gió xa mây!

Lau lách buồn thiu mãi ngậm ngùi
Vô tình thuyền để lại chơi vơi
Tội cho bến nước hoài trông đợi
Biền biệt phương xa tận góc trời

Tháng tư chìm đắm trong hoài niệm
Chẳng thể nào quên dẫu bẽ bàng
Một thuở ngọc ngà thời áo tím
Thôi đành khâm liệm giấc mơ hoang











04 tháng 4, 2019

CÓ PHẢI LÀ ANH?







Có phải là anh… sợi nắng vàng?
Bên thềm hôn nhẹ tóc em ngoan
Xinh xinh đôi bím cài nơ đỏ
Lúng liếng làm duyên để ngỡ ngàng

Có phải là anh… ngọn gió chiều?
Mơn man tà áo lại còn trêu:
“Cô nương ơi hỡi… mơ gì thế?
Kim Trọng vườn xuân gặp Thúy Kiều?”

Có phải là anh…áng mây hồng?
Lượn lờ trước ngõ dáng chờ trông
Tặng em ngàn chiếc khăn san mỏng
Xuống phố tình nhân rợp sắc nồng

Có phải là anh… có phải anh?
Bờ vai dựa dẫm trĩu ân tình
Êm êm chất giọng miền Non Nước
Lẩn khuất tên người cứ quẩn quanh












03 tháng 4, 2019

NGOẠI TÔI






Trưa nay tự dưng tôi không ngủ được. Còn hai ngày nữa là giỗ Ngoại. Mười sáu năm Ngoại ra đi, bỏ lại tôi bơ vơ trên đường đời. Tôi nghe nhớ Ngoại vô cùng!

Ca dao Việt Nam có câu:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
Riêng bản thân tôi vẫn thường so sánh:
Ngoại già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
Nói như thế để khẳng định: Ngoại tôi – người đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với cuộc đời và con đường sự nghiệp của bản thân tôi.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lái Thiêu hiền hoà. Cha là giáo viên với đồng lương căn bản nuôi sống cả gia đình. Năm tôi mười bốn tuổi, mẹ tôi qua đời. Ba tôi oằn vai gánh nặng ưu phiền, làm cảnh gà trống nuôi chị  em tôi ăn học. Cứ mỗi lần nhìn dáng ba trơ gầy hiu hắt, tóc điểm đầy sợi ưu phiền, đôi mắt mờ dần theo năm tháng, lòng tôi như chùng hẳn lại.
Năm mười tám tuổi, tôi tốt nghiệp Phổ thông trung học. Khi ba hỏi tôi có dự định gì cho nghề nghiệp tương lai, tôi đã không ngại ngần lên tiếng:”Con sẽ chọn nghề dạy học.” Ba tôi lặng người đi đầy xúc động, đôi mắt già nua lấp lánh niềm vui.
Hai năm học Sư phạm đằng đẵng qua đi. Tôi tốt nghiệp, ra trường và tiếp nối con đường mà ba tôi đã chắt chiu trân trọng cả một đời. Nhưng một lần nữa, định mệnh lại quá trớ trêu. Sau một thời gian dài bạo bệnh, ba tôi lại lặng lẽ từ giã cõi đời. Thú thật đó là giai đoạn tôi bị khủng hoảng trầm trọng. Tôi cứ ngỡ mình không qua được cú sốc đau thương ấy. Nhưng bên cạnh nét hồn nhiên thơ dại của đám học trò, nguồn động viên to lớn nhất của tôi là Ngoại.
Ngoại tôi năm nay đã già lắm rồi. Đến Tết này, Ngoại tôi bước sang tuổi chín mươi ba. Tuổi đã cao, chân tay hơi yếu nhưng trông Ngoại vẫn còn hồng hào, khoẻ mạnh. Mái tóc Ngoại bạc phơ như mây trời. Còn đôi mắt Ngoại thì long lanh tia sáng dịu hiền khó tả. Nhiều lúc ngồi nhìn Ngoại bỏm bẻm nhai trầu, tôi thấy trên khuôn mặt già nua phảng phất nỗi buồn nhè nhẹ thoảng qua. Ông Ngoại tôi qua đời hồi Ngoại bốn mươi ba tuổi, Ngoại chỉ có duy nhất mẹ tôi là nguồn an ủi. Đến năm ba mươi sáu tuổi, mẹ tôi với chứng viêm não cấp tính đã bỏ Ngoại ra đi, để lại năm đứa con còn thơ dại. Đứa em trai út của tôi chưa tròn mười tháng tuổi phải xa lìa vú mẹ, bữa bữa đợi chờ từng chén cháo gạo lứt thay sữa nuôi thân và đêm đêm ngủ vùi trong vòng tay gầy guộc của Ngoại.
Tuy bị mất tình thương của cha mẹ nhưng đổi lại, chị em chúng tôi còn có Ngoại. Ngoại vừa là cha, là mẹ, là bà tiên nhân ái dạy chúng tôi bài học tình người và ban cho chúng tôi sự sống. Nếu không có Ngoại, giờ này tôi chẳng biết mình có được thành tích như hiện nay không?
Ngoại rất khó ngủ nên việc chăm sóc giấc ngủ cho Ngoại là điều mà chị em chúng tôi luôn quan tâm đến. Chẳng hạn như không nói chuyện lớn tiếng, đi nặng chân hoặc gây tiếng động làm Ngoại thức giấc. Những đêm trời nóng, tôi nằm cạnh và quạt mát cho Ngoại được ngủ yên vì  Ngoại không chịu được quạt máy.
Những lần thức giấc trong đêm, qua ánh đèn mờ, tôi luôn trộm nhìn dáng ngủ của Ngoại xem có bình thường và nhịp thở của Ngoại có đều đặn hay không? Bởi vì hồi năm 1994, đứa em trai  kế tôi đã chết âm thầm trong giấc ngủ, gây cho tôi một ấn tượng hết sức hãi hùng. Cho nên trước mắt tôi hiện nay, một chút gì khác lạ của người thân cũng làm tôi bồn chồn, lo lắng không yên.
Là một phụ nữ, ai cũng mong một mái ấm gia đình bên chồng con là những người mà mình vô cùng yêu quý. Nhưng với tôi, hoàn cảnh gia đình vô cùng thê thiết đã đóng hết mọi cánh cửa ước mơ. Lập gia đình, đó là điều mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Bởi vì ai sẽ là người thay thế tôi đỡ đần, chăm sóc cho Ngoại từ bữa ăn, giấc ngủ hoặc những lúc Ngoại bệnh hoạn, ốm đau?
Ngoại luôn động viên tôi cố gắng làm tốt công tác giảng dạy ở trường. Những thành tích tôi đạt được trong quá trình phấn đấu, Ngoại luôn quan tâm và xem đó là nỗi tự hào.
Tính đến nay, cuộc đời tôi dã trải qua không biết bao nhiêu là nỗi bất hạnh, khổ đau. Lại thêm hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng lương giáo viên eo hẹp. Nhiều lúc tôi thấy chao đảo, rã rời muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ đến hình ảnh tận tuỵ của ba tôi cũng là người thầy đã hết lòng dạy dỗ, dìu dắt tôi trong những bước đầu tập tễnh vào nghề và tấm lòng nhân hậu bao dung của Ngoại đã giúp tôi vượt qua những chông gai trong cuộc sống đầy nỗi nhọc nhằn.
-Năm 1994, tôi được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”
-Năm 1995 nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”
-Năm 1997 được Tỉnh công nhận danh hiệu “Con cháu thảo hiền”
-Năm 1999 đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia bậc Tiểu học”
-Tháng 12/1999  dự Liên hoan Con cháu thảo hiền toàn quốc lần thứ 2 tại Bình Thuận.
-Tháng 11/2000 đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.
Có được niềm vinh quang như thế phần lớn là nhờ công lao nuôi nấng, dạy dỗ, dìu dắt và động viên của Ngoại đối với bản thân tôi.


( Báo cáo tại Liên hoan Con cháu thảo hiền toàn quốc tổ chức tại Đồi Dương, Bình Thuận năm 1999)







TẢN MẠN THÁNG TƯ






Đêm qua vào Messenger thăm hỏi cháu gái bị bệnh, tiện thể ghé thăm trang Lê Minh Vũ, BBT Hội VHNT tỉnh BD. Thật vui khi hai tập thơ mới của tôi gởi tặng đã đến tay nhà thơ LMV.
Đọc lời cảm nhận của LMV, tôi thật xúc động. LMV là Phó PGD thị xã Bến Cát, phụ trách mảng thơ của Hội. Tính tình LMV điềm đạm, dễ mến.Thật là tuổi trẻ tài cao!


Lê Minh Vũ

31 tháng 3 lúc 20:26 · 

Lặng lẽ, miệt mài, lấy Thơ làm niềm vui để vượt qua cô đơn, bệnh tật.

Quý mến chị về nhân cách, nghị lực, tài năng và sự mẫu mực của một nhà giáo.

17 tập thơ đã ra đời. Chẳng cầu danh, lợi. Chị viết như lẽ sống cuộc đời.

...

Mặc ai đao to búa lớn, tự xem mình là số 1 trên đời. Họ tự đắc, nói nhiều, ích kỷ, nhỏ nhen, đố kỵ, ganh đua... chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu tài năng và phẩm hạnh.

...

Cảm ơn chị đã gửi tặng em 2 tập thơ mới! Mong chị luôn vui vẻ, khỏe mạnh dù chỉ còn: Ta và Thơ!











Mười bảy tập thơ ra đời là niềm hạnh phúc đối với bản thân tôi. Tôi chẳng còn gì ngoài vần thơ chân chất để trải lòng hầu quên đi nỗi cô đơn và bệnh hoạn.
Vậy mà cô bạn thơ từng được tôi ví như cánh tay mặt của tôi lại chà đạp, chê bai, ganh tỵ, bằng mọi cách chỉ trích tôi chỉ vì cái tội tôi có nhiều đứa con tinh thần trong khi cô ta chỉ tay trắng. Tức cười ở chỗ cô ta khoe khoang thơ cô ta hay nhất TĐVN giai đoạn 2012-2014, trên mạng Facebook và ngay trên Hội VHNT tỉnh BD sau này...Tôi đau đớn vô cùng khi xem cô ta thân thiết như chị em ruột của mình. Nhiều khi nghĩ lại, tôi thấy hụt hẫng và uất nghẹn muốn khóc.
Tôi bắt đầu chán ghét mạng ảo, nhất là trang tho.com. Hồi ấy tôi hay dựa dẫm vào các bạn thơ, thân tình tưởng chừng như ruột thịt. Nhưng tôi đã sai lầm khi tưởng mạng ảo là thật. Tôi đã sống hết mình và bây giờ tôi mới tỉnh ngộ. Không thể vì tìm cảm xúc thơ mà tôi lại bán rẻ mình như thế.
Tôi té ngã một cú đau điếng và lồm cồm bò dậy đi trên chính đôi chân của mình. Lang thang trên internet, tôi bắt gặp thơ của một đồng nghiệp ngày xưa, đã từng là lính biệt phái trước 1975 và học tập cải tạo sau 30/4. Thơ anh ray rứt, sâu lắng, tuôn chảy không ngừng...Hiện anh định cư ở Mỹ. Nỗi nhớ quê hương cùng cuộc tình đã mất làm thơ anh có nhiều cảm xúc. Rút kinh nghiệm của việc giao lưu bừa bãi hồi ở TĐVN, tôi không cần kết bạn, offline cho rối rắm, phức tạp. Chỉ cần mở máy, bấm tên anh là tôi được thưởng thức vần thơ tuyệt vời của anh. Cảm xúc từ đó bắt nhịp và tôi viết dễ dàng, không e dè, ngần ngại thậm chí không sợ bị chụp mũ chi cả.
Tìm được hướng đi cho mình kịp thời quả là may mắn. Tôi không còn phụ thuộc vào ai nữa. Và nhất là tôi tìm lại chính tôi, bao nhiêu năm miệt mài trên bục giảng chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ cùng đạo đức mô phạm của mình.
Dòng thơ trẻ, hoàn cảnh neo đơn, căn bệnh hiểm nghèo... không làm họ thông cảm mà ngược lại họ vin vào đó để bắt nạt tôi (trong khi miệng họ lúc nào cũng nói tội nghiệp tôi. Thật đúng câu dân gian thường nói: "Miệng Nam mô ...bụng bồ dao găm!)
Tôi không còn giận, ghét, nhớ họ kể cả không quan tâm họ thế nào trong cuộc sống hiện tại lẫn trên Facebook. Tôi có đời sống tinh thần phong phú, có tâm bình lặng như nước hồ thu, có em cháu lúc nào cũng thương yêu tôi và mấy người bạn láng giềng không biết làm thơ nhưng rất chan hòa, các đồng nghiệp cùng cam cộng khổ hồi còn đi dạy luôn quan tâm đến vui buồn cũng như sức khỏe của tôi. Bao nhiêu đó cũng an ủi tôi lắm rồi!
Đã từ lâu, tôi cắt hẳn giao lưu với những gì liên quan tới trang tho.com
Tôi nghe đầu óc nhẹ nhõm và không hề hối tiếc với quyết định này của mình!













01 tháng 4, 2019

MỞ CỬA THÁNG TƯ








Chiều nay
mưa ghé hiên nhà
Bao nhiêu ngày tháng
diết da đợi chờ

Ngồi bên ốc đảo
mộng mơ
Xôn xao giấy bút
vần thơ tự tình

Xa rồi
hai chữ hư vinh
Dắt tâm
khỏi chốn vô minh não phiền

Cám ơn
từng sợi mưa hiền
Tháng tư mở cửa an nhiên theo về