Trưa nay tự dưng tôi không ngủ được. Còn hai ngày nữa là giỗ Ngoại. Mười sáu năm Ngoại ra đi, bỏ lại tôi bơ vơ trên đường đời. Tôi nghe nhớ Ngoại vô cùng!
Ca dao Việt Nam có câu:
Như xôi nếp
một như đường mía lau
Riêng bản
thân tôi vẫn thường so sánh:
Ngoại già
như chuối ba hương
Như xôi nếp
một như đường mía lau
Nói như thế
để khẳng định: Ngoại tôi – người đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với cuộc đời
và con đường sự nghiệp của bản thân tôi.
Tôi được
sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lái Thiêu hiền hoà. Cha là giáo viên với đồng
lương căn bản nuôi sống cả gia đình. Năm tôi mười bốn tuổi, mẹ tôi qua đời. Ba
tôi oằn vai gánh nặng ưu phiền, làm cảnh gà trống nuôi chị em tôi ăn học. Cứ mỗi lần nhìn dáng ba trơ gầy
hiu hắt, tóc điểm đầy sợi ưu phiền, đôi mắt mờ dần theo năm tháng, lòng tôi như
chùng hẳn lại.
Năm mười
tám tuổi, tôi tốt nghiệp Phổ thông trung học. Khi ba hỏi tôi có dự định gì cho
nghề nghiệp tương lai, tôi đã không ngại ngần lên tiếng:”Con sẽ chọn nghề dạy học.”
Ba tôi lặng người đi đầy xúc động, đôi mắt già nua lấp lánh niềm vui.
Hai năm học Sư phạm đằng đẵng qua đi. Tôi tốt nghiệp, ra trường và tiếp nối con đường mà ba
tôi đã chắt chiu trân trọng cả một đời. Nhưng một lần nữa, định mệnh lại quá trớ
trêu. Sau một thời gian dài bạo bệnh, ba tôi lại lặng lẽ từ giã cõi đời. Thú thật
đó là giai đoạn tôi bị khủng hoảng trầm trọng. Tôi cứ ngỡ mình không qua được
cú sốc đau thương ấy. Nhưng bên cạnh nét hồn nhiên thơ dại của đám học trò, nguồn
động viên to lớn nhất của tôi là Ngoại.
Ngoại tôi
năm nay đã già lắm rồi. Đến Tết này, Ngoại tôi bước sang tuổi chín mươi ba. Tuổi
đã cao, chân tay hơi yếu nhưng trông Ngoại vẫn còn hồng hào, khoẻ mạnh. Mái tóc
Ngoại bạc phơ như mây trời. Còn đôi mắt Ngoại thì long lanh tia sáng dịu hiền
khó tả. Nhiều lúc ngồi nhìn Ngoại bỏm bẻm nhai trầu, tôi thấy trên khuôn mặt
già nua phảng phất nỗi buồn nhè nhẹ thoảng qua. Ông Ngoại tôi qua đời hồi Ngoại
bốn mươi ba tuổi, Ngoại chỉ có duy nhất mẹ tôi là nguồn an ủi. Đến năm ba mươi
sáu tuổi, mẹ tôi với chứng viêm não cấp tính đã bỏ Ngoại ra đi, để lại năm đứa
con còn thơ dại. Đứa em trai út của tôi chưa tròn mười tháng tuổi phải xa lìa
vú mẹ, bữa bữa đợi chờ từng chén cháo gạo lứt thay sữa nuôi thân và đêm đêm ngủ
vùi trong vòng tay gầy guộc của Ngoại.
Tuy bị mất
tình thương của cha mẹ nhưng đổi lại, chị em chúng tôi còn có Ngoại. Ngoại vừa
là cha, là mẹ, là bà tiên nhân ái dạy chúng tôi bài học tình người và ban cho
chúng tôi sự sống. Nếu không có Ngoại, giờ này tôi chẳng biết mình có được
thành tích như hiện nay không?
Ngoại rất
khó ngủ nên việc chăm sóc giấc ngủ cho Ngoại là điều mà chị em chúng tôi luôn
quan tâm đến. Chẳng hạn như không nói chuyện lớn tiếng, đi nặng chân hoặc gây
tiếng động làm Ngoại thức giấc. Những đêm trời nóng, tôi nằm cạnh và quạt mát
cho Ngoại được ngủ yên vì Ngoại không chịu
được quạt máy.
Những lần
thức giấc trong đêm, qua ánh đèn mờ, tôi luôn trộm nhìn dáng ngủ của Ngoại xem
có bình thường và nhịp thở của Ngoại có đều đặn hay không? Bởi vì hồi năm 1994,
đứa em trai kế tôi đã chết âm thầm trong
giấc ngủ, gây cho tôi một ấn tượng hết sức hãi hùng. Cho nên trước mắt tôi hiện
nay, một chút gì khác lạ của người thân cũng làm tôi bồn chồn, lo lắng không
yên.
Là một phụ
nữ, ai cũng mong một mái ấm gia đình bên chồng con là những người mà mình vô
cùng yêu quý. Nhưng với tôi, hoàn cảnh gia đình vô cùng thê thiết đã đóng hết mọi
cánh cửa ước mơ. Lập gia đình, đó là điều mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Bởi
vì ai sẽ là người thay thế tôi đỡ đần, chăm sóc cho Ngoại từ bữa ăn, giấc ngủ
hoặc những lúc Ngoại bệnh hoạn, ốm đau?
Ngoại luôn
động viên tôi cố gắng làm tốt công tác giảng dạy ở trường. Những thành tích tôi
đạt được trong quá trình phấn đấu, Ngoại luôn quan tâm và xem đó là nỗi tự hào.
Tính đến
nay, cuộc đời tôi dã trải qua không biết bao nhiêu là nỗi bất hạnh, khổ đau. Lại
thêm hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng lương giáo viên eo hẹp. Nhiều lúc tôi thấy
chao đảo, rã rời muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ đến hình ảnh tận tuỵ của ba
tôi cũng là người thầy đã hết lòng dạy dỗ, dìu dắt tôi trong những bước đầu tập
tễnh vào nghề và tấm lòng nhân hậu bao dung của Ngoại đã giúp tôi vượt qua những
chông gai trong cuộc sống đầy nỗi nhọc nhằn.
-Năm 1994,
tôi được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”
-Năm 1995
nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”
-Năm 1997
được Tỉnh công nhận danh hiệu “Con cháu thảo hiền”
-Năm 1999 đạt
danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia bậc Tiểu học”
-Tháng
12/1999 dự Liên hoan Con cháu thảo hiền toàn
quốc lần thứ 2 tại Bình Thuận.
-Tháng
11/2000 đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc
tổ chức tại Hà Nội.
Có được niềm
vinh quang như thế phần lớn là nhờ công lao nuôi nấng, dạy dỗ, dìu dắt và động
viên của Ngoại đối với bản thân tôi.
( Báo cáo tại
Liên hoan Con cháu thảo hiền toàn quốc tổ chức tại Đồi Dương, Bình Thuận năm
1999)
Nỗi nhớ khôn nguôi!
Trả lờiXóa[-(
Cảm ơn bạn DVD ghé thăm và chia sẻ!
Trả lờiXóa