Đôi dòng cảm nhận về bài thơ Băn Khoăn của tác giả
Hoàng Thị Lãng Mây.
Có gì đó trong tâm tư
thao thức, trở trăn hoài một nỗi nhớ mông lung, nhện giăng tơ hay giăng sầu
trăm mối? Cho lòng em sóng gợn mãi không yên.
Tôi rất ấn tượng với
tên một tác giả trên thi đàn, Hoàng Thị Lãng Mây. Không biết đây là tên thật
hay là bút danh mà nghe rất đậm chất thơ. Thật vậy, cô có trên dưới 400 bài thơ
được đăng trên thi đàn, một gia tài kếch xù mà bất kỳ ai yêu thơ cũng thòm thèm
mơ ước có?! Hôm nay lại có một bài thơ của cô mới được đăng, tôi xin mạn phép
có đôi dòng cảm nhận. Bài thơ “Băn khoăn” thuộc thể loại thơ năm chữ, gồm bốn
khổ như sau:
Băn khoăn
Trăng đêm nay mười sáu
Sao đọng nét u hoài?
Chút tình xưa đau đáu
Lời thơ sầu không phai
Bao năm rồi người hở
Kể từ phút chia tay
Cho vần thơ nức nở
Chuyện tình nhiều đắng cay?
Thôi đừng nên hờn trách
Mây lặng lẽ u sầu
Đường gập ghềnh xa cách
Nhớ nhung gởi về đâu?
Người ơi, người có biết
Tháng ngày đầy trở trăn
Giờ xa xôi cách biệt
Sợi tơ buồn giăng giăng?
Hoàng Thị Lãng Mây
Tác giả mở đầu bài
thơ với hình ảnh tuyệt đẹp: trăng mười sáu, một hình ảnh thường gặp trong thơ
của rất nhiều thi sĩ. Trăng mười sáu rất tròn, rất sáng mặc dù thời điểm này là
rằm tháng 10 âm lịch, đã cuối thu. Một không gian thơ đã được mở ra thật huyền
diệu cho bài thơ của tác giả. Nhưng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du), bởi trong lòng tác giả đang “băn khoăn” một điều gì
đó. Trăng mười sáu tròn đẹp như thế “sao đọng nét u hoài?”. Tác giả không để
cho người đọc phải thắc mắc lâu hai câu kế tiếp đã giải bày nguyên cớ: “Chút
tình xưa đau đáu, lời thơ sầu không phai”.
Trăng đêm nay mười sáu
Sao đọng nét u hoài?
Chút tình xưa đau đáu
Lời thơ sầu không phai
Đoạn mở đầu của bài thơ đã dẫn dắt
người đọc vào một không gian thật huyền ảo của đêm trăng nhưng gờn gợn nỗi
buồn. Quả thật những người yêu trăng hay đa sầu (Ông bà xưa hay nói vậy). Câu
chuyện được tác giả dẫn dắt bằng lời tự sự đều đều:
Bao năm rồi người hở
Kể từ phút chia tay
Cho vần thơ nức nở
Chuyện tình nhiều đắng cay?
Nhìn trăng lại nhớ đến người, nhớ đến
phút chia tay đẫm lệ mà đã bao năm rồi vẫn còn tươi nguyên kỷ niệm. Để lệ sầu
ướt đẫm từng đêm bởi những “vần thơ nức nở” khóc cho “chuyện tình nhiều đắng
cay”. Tiết tấu của thể loại thơ năm chữ quay đều quay đều như một khúc nhạc, kể
về một chuyện tình buồn giữa đêm trăng tĩnh mịch. Tác giả hỏi người nhưng kỳ
thực là tự hỏi chính mình “Bao năm rồi người hở?” Đã bao nhiêu năm xa cách là
bấy nhiêu nỗi sầu nhớ đong đầy ký ức hằng đêm. Không biết nguyên nhân của sự
chia cách này từ đâu, chẳng biết người ra đi có hờn trách người ở lại hay người
ở lại hờn trách người đi. Chỉ nghe tác giả thốt lên:
Thôi đừng nên hờn trách
Mây lặng lẽ u sầu
Đường gập ghềnh xa cách
Nhớ nhung gởi về đâu?
Dẫu buồn, dẫu nhớ nhưng tôi biết chính
tác giả cũng chẳng trách hờn gì đâu, sự chia ly đã như là một định số đã an
bày. Không ai khác hơn là tác giả đã hiểu rất rõ nguyên nhân của sự chia ly
này, và tôi cũng cam đoan rằng tác giả cũng đã rất nhiều lần tự nhủ lòng đừng
nên sầu khổ. Nhưng than ôi! Chẳng ai có thể quản thúc được con tim, vui, buồn,
nhung nhớ là theo lẽ riêng của nó. Chính vì thế trong ánh trăng sáng của đêm
mười sáu này tâm hồn nhạy cảm của tác giả lại rung lên những cung bậc trầm
bổng, khi kỷ niệm ngày cũ tràn về. Rồi tự đáy con tim tuôn trào ra những vần
thơ đầy tâm trạng và rất tự nhiên chẳng chút trau chuốt nhưng lại sáng ngời
chất thơ.
Người ơi, người có biết
Tháng ngày đầy trở trăn
Giờ xa xôi cách biệt
Sợi tơ buồn giăng giăng?
Bài thơ kết thúc bởi một dấu chấm hỏi,
một hình ảnh cũng rất mong manh và hư ảo: “Sợi tơ buồn giăng giăng”. Tôi thật
sự ngưỡng mộ tác giả với cách gieo vần rất tự nhiên và cách sử dụng hình ảnh
thật độc đáo. Sợi tơ. Vâng! Ai cũng biết sợi tơ rất mỏng manh nhỏ bé nó gần như
lúc ẩn, lúc hiện rất khó nhận thấy, nhưng nó lại cứ quấn quýt, vướng víu, khi
vướng phải sợi tơ rồi thì rất khó mà gỡ ra. Nỗi buồn của tác giả cũng như thế,
nó mong manh hư ảo, nhưng dai dẳng triền miên, nó vướng víu mãi tâm can của tác
giả khiến cho lòng “băn khoăn” mãi không nguôi.
Tôi đã đọc đi đọc lại
bài thơ thật nhiều lần mới cảm được hết cái nghĩa của hai chữ “băn khoăn” mà
tác giả đặt làm lời tựa. Ở đây không phải “bâng khuâng” mà cũng chẳng phải là
nhung nhớ hay mong đợi. Nỗi băn khoăn này là cảm giác vướng víu của sợi tơ tình
còn giăng mắc mãi trong tim tác giả. Chia tay một người và người ấy đã đi thật
xa, nhung nhớ rất nhiều, buồn thật nhiều cho những kỷ niệm đắng cay, nhưng tác
giả không mong người xưa quay trở lại, không trách hờn, không giận dỗi, chỉ là
một cảm giác giăng mắc của sợi tơ buồn phảng phất mãi trong tim.
Trên đây là những cảm
nhận của riêng tôi về bài thơ, rất mong tác giả và quý cô, chú, anh, chị bạn
đọc bỏ qua cho những thiếu xót. Xin chân thành cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng
Mây!
Trương Hoài Phong
18/11/2013