hoangthilangmay

 Nói về hoangthilangmay Đỗ Mỹ Loan


01. Chị Đỗ Mỹ Loan: Sống vì thơ, cho thơ!



Nhà giáo còn nghỉ hưu nhưng “nàng thơ” thì không bao giờ nghỉ! Tôi hay đùa chị như thế mà cũng đúng thật khi chị cứ đều đặn cho ra mắt hết tập thơ này đến tập thơ khác.

Làm thơ như một nhu cầu tự thân, như một nỗi niềm cần tâm sự. Và rồi, khi đứa con tinh thần của mình nên vóc nên hình trong một tập thơ trang trọng thì ai mà không hạnh phúc! Nhà thơ là thế và chị Đỗ Mỹ Loan cũng thế. Nhìn chị vui niềm vui hồn nhiên, trong trẻo trong buổi ra mắt tập thơ với thi hữu càng thấy quý chị hơn. Một nhà giáo đã nghỉ hưu, sống một mình ở Lái Thiêu, TX.Thuận An và làm tới 3 việc: Viết thư pháp, dạy học ở nhà và làm thơ khi có cảm hứng bất chợt ùa đến.



Bìa tập thơ “Hoàng hôn gọi nắng”

Chị Đỗ Mỹ Loan, bút danh Hoàng Thị Lãng Mây (hoangthilangmay) là hội viên Thi đàn Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh. Thơ của chị đăng nhiều ở Tạp chí Văn nghệ Bình Dương, Báo Bình Dương và nhiều tờ báo khác ở TP.HCM… Từ năm 2012 đến 2016, chị đã được các Nhà Xuất bản Thanh niên, Hội Nhà văn in và xuất bản 11 tập thơ: Bóng mây, Mây tím, Khúc tương tư, Vần thơ tri kỷ, Nốt lặng trong đêm, Chải tóc chờ thu, Bình Dương tình yêu và nỗi nhớ, Vần thơ khắc khoải, Nồng nàn giọt đắng, Lắng đọng hồn thơ và tập mới nhất là Hoàng hôn gọi nắng (cuối năm 2016, ra mắt vào quý I-2017)…

Đọc thơ chị, bạn đọc sẽ thấy khắc khoải một nỗi buồn, một nỗi cô liêu như hờn, như tủi! Bạn bè thân quen đùa chị sao cứ… buồn hoài vậy, chị chỉ cười. Suốt một thời thanh xuân chị hy sinh để lo cho ngoại, cho mẹ, em út. Tình yêu đến rồi đi hỏi sao không ngậm ngùi… Thế nên, thơ chị cứ thế mà đi vào lòng người như một hoài niệm khó phai: Chiều trở về phố núi/ Sao lạc lõng thế này/ Một mình ta trơ trọi/ Giữa bát ngát trời mây/ Thông ngàn buồn cúi mặt/ Nghe tủi hờn lên mắt/ Cảnh cũ… người nơi đâu?... (Cô đơn phố núi).

Hôm dự lễ ra mắt tập thơ Hoàng hôn gọi nắng, bạn bè đã đọc, ngâm rất nhiều bài thơ hay trong 98 bài của tập sách mỏng, dễ thương như tính cách của chị, như cách mà “nàng thơ” thường đa đoan: “Nửa khuya không ngủ được/ Lòng rối như tơ vò/ Trăng chập chờn giỡn nước/ Còn ta hoài âu lo”… (Tự tình trong đêm)

Chị nói, nay chị “và con tim đã vui trở lại” bên bạn bè, bên người thân và vẫn tiếp tục sống cho thơ, vì thơ bởi tâm hồn chị còn dễ xao xuyến trước bao cái đẹp của cuộc đời. Là người em, người bạn cùng hội, tôi mong chị được như vậy và thật an nhiên. Như chị viết: “Qua rồi / ngày tháng dại khờ/ Cứ mãi đợi chờ/ hư ảo/ xa xôi/ Giờ/ tôi trở lại/ chính tôi/ Nhẹ nở nụ cười/ trước mọi bể dâu”… ( Ngộ).

Xin chúc mừng chị và mong chờ tập thơ thứ 12 của người luôn sống trong không gian thơ đẹp đẽ này…

QUỲNH NHƯ

Theo baobinhduong.vn
Links : http://www.thuvienbinhduong.org.vn/?ArticleId=1f2b64f0-43fd-44b0-83c8-46de5da3112b




Cảm nhận thơ của hoangthilangmay


Hoàng Thị Lãng Mây

Nhà giáo

Hiện sống và làm việc tại Bình Dương

Thơ đã in:
 
- Bóng Mây ( NXB Thanh Niên, 2012)

- Mây Tím ( NXB Hội Nhà Văn, 2013)

- Khúc Tương Tư ( NXB Hội Nhà Văn, 2013)

- Vần Thơ Tri Kỷ ( NXB Hội Nhà Văn, 2013)

- Nốt Lặng Trong Đêm ( NXB Hội Nhà Văn, 2014)

- Chải Tóc Chờ Thu ( NXB Hội Nhà Văn, 2014)

- Bình Dương Tình Yêu & Nỗi Nhớ ( NXB Hội Nhà Văn, 2015)

- Vần Thơ Khắc Khoải ( NXB Hội Nhà Văn, 2015)

- Nồng Nàn Giọt Đắng ( NXB Hội Nhà Văn, 2015)

- Lắng Đọng Hồn Thơ ( NXB Hội Nhà Văn, 2016)

- Hoàng Hôn Gọi Nắng ( NXB Hội Nhà Văn, 2016)

- Tôi Tìm Lại Tôi (NXB Hội Nhà Văn, 2017)

- Thơ Ơi! Xuống Phố ( NXB Hội Nhà Văn, 2017)

- Chìm Với Muôn Trùng ( NXB Hội Nhà Văn, 2017)

- Lang Thang Cùng Con Chữ ( NXB Hội Nhà Văn, 2018)

- Chỉ Còn Ta Và Thơ ( NXB Hội Nhà Văn, 2018)

- Còn Thơm Áo Lụa ( NXB Hội Nhà Văn, 2019)

- Ngồi Ôm Cổ Tích ( NXB Hội Nhà Văn, 2019)

- Bắt Gặp Trăm Năm(  NXB Hội Nhà Văn 2020)

- Cổ Tích Xa Rồi ( NXB Hội Nhà Văn 2021)

- Thả Buồn Theo Gió ( NXB Hội Nhà Văn 2022)

- Tưởng Đâu Cổ Tích Xa Rồi ( NXB Hội Nhà Văn 2023)




02. Hoàng Thị Lãng Mây – Người làm duyên cho thể loại thơ truyền thống



Thơ lục bát của Hoàng Thị Lãng Mây không chỉ là sự rung cảm tận đáy tâm hồn muốn được giải thoát. LM không chỉ viết cho mình mà để lại cho cộng đồng những cảm nhận được sẻ chia.

Một nỗi buồn vu vơ, một niềm vui thơ trẻ, một khao khát bình dị đã làm nên một " lục bát mộng mơ" trong trẻo, tròn trịa. Có sức lôi cuốn đến lạ lùng. Với cái nền dân gian dễ nhớ dễ ngấm,tác giả đã nhào nặn từng câu chữ bằng cả tư duy và trí tuệ, để tạo nên một sắc thái riêng biệt.

Bút pháp của LM thật sự không thể pha trộn

" Về hong lại mấy vần thơ
Tưởng chừng hoang lạnh đợi chờ mùa sang
Hình như lá úa phai tàn
Thẩn thơ sót lại chút vàng cuối thu."

Tình thơ dẫu có thể phôi phai bởi sự trầy trụa của đời sống,nhưng thơ mãi là thơ." Là tiếng nói thiêng liêng và thánh thần". Chỉ cần một chút nhiệt năng của tạo hóa, chỉ cần một phút ngẫm lại, một phút chiêm nghiệm tình thơ sẽ sống dậy.

" Lục bát mộng mơ" là sự quân bình giữa tình và cảnh. Mùa thu sắp qua được phác họa bằng những nét chấm phá. Một chút vàng sót lại, một chút nắng hanh hao ẩn mình trong chữ " hong"

Một màu trăng xưa, chỉ có vậy mà ta có một mùa thu tuyệt my đã và đang qua đi đầy luyến lưu nhung nhớ.

Đời là thế! Thơ là thế! "Lục bát mộng mơ" mang vóc dáng triết lý mềm mại của quy luật tự nhiên. Dẫu biết mùa sẽ chuyển vẫn có cảm giác mơ hồ ,

" HÌnh như lối ngập sương mù
Còn đâu tri kỉ chén thù tạc say"

Đó là cái duyên của lục bát LM . Tinh tế, nhẹ nhàng mà đằm thắm . LM đón nhận sự chia xa với mùa thu ắp đầy kỉ niệm bằng nỗi buồn thơ trẻ trong vắt .

" Rưng rưng mái tóc quên cài
Xõa ôm vai lụa thơ ngây thuở nào
Tình thơ ngày ấy gửi trao
Người ơi có giữ vẹn màu trăng xưa."

Một đề tài muôn thuở (Thu tàn). Một thể loại thơ truyền thống nhưng LM lại thổi vào nó một phong cách hoàn toàn mới. Duyên dáng và thanh khiết

Dẫu cho hai câu thơ cuối có vẻ như là tiếng lòng, như là lời cảnh tỉnh

" Mùa qua nhớ mấy cho vừa
Hãy neo bến mộng mà đưa thuyền về "

Cá nhân tôi không thích lắm 2 câu kết. Nó lý trí lắm ! Nhưng chính nó đã làm nên một " lục bát mộng mơ" thật hoàn hảo./..


LÊ HIỂU







03. "LỤC BÁT CÔ ĐƠN" .CÁCH BIỂN THẾ ĐỘC ĐÁO CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY

Đêm đã về sâu, sương dầy đọng thành hạt, nếu trên cành vương trên lá. Mong manh vụn vỡ.

Người thơ đi trong đêm, đi trong sương, thản nhiên trong nỗi nhớ, thản nhiên giữa nhịp tim chầm chậm gõ vào trống vắng cô đơn. Để lòng người được chơi vơi, hồn được tắm gội giữa miền vĩnh lạc của đất trời:

Xòe tay
Hứng giọt sương rơi
Nghe trong sâu thẳm
Đất trời ngã nghiêng

Trong cõi mộng, tứ thơ bịn rịn chèo khéo mồi chài. Bản năng thi nhân trỗi dậy, một nét vung lên câu chữ dệt thành vóc dáng, mềm mại, uyển chuyển, hình ảnh xòe tay hứng sương đã vượt lên cả chức năng ngữ nghĩa. Lộ ra mảnh ghép của hội họa trừu tượng đầy mê hoặc. Động thái của người thơ đã nhập cảm tan biến vào ảo trận của chúa đêm.

Cách biến thể ngát nhịp của cặp vần lục bát trải dọc xuống thành một khổ thơ mở, là sự sáng tạo của tư duy kiến trúc.

Mảnh ghép của bức tranh chữ nõn nà lộ ra từ sâu thẳm của sự mê thiêng. Vần"ơi" như một tiếng ngân vọng mênh mang mà kinh dị, làm nghiêng ngã cả đất trời.

Hãy chiêm ngưỡng khổ thơ trong một cảm quang hẹp, một không gian khép, hãy nhắm mắt lại và để cái "tôi" ra khỏi tục phàm. Hình hài của khổ thơ sẽ hiện ra chập chờn hư ảo, mọi giác quân sẽ choáng váng trao đưa, bồng bềnh trôi đi trên giá đỡ của sương đêm dịu vợi:

Gió qua
Đứng đợi bên thềm

Nhớ nhung sợi nắng
Dịu hiền
Mỏng manh

Thi nhân nghiễm nhiên điểm ngang một gam màu níu kéo mà không sợ lạc lõng, không sợ phá vỡ qui luật của kĩ năng hội họa. Miếng ghép thứ hai lộ ra gần hơn, thực hơn. Sợi nắng mỏng manh kéo sự mê thiêng của một đêm hoang lạnh. Người thơ mãi cô đơn trong mọi khoảng không gian trong vắt của đất trời, và ngay cả khi sinh khí, tinh hoa tích tụ tan ra lan tỏa vào từng nhịp thơ, làm cong lên những sợi nắng dịu hiền, vẫn chỉ là sự cuộn tròn nỗi nhớ nhung mong đợi.

Khổ thơ pha chút hoang đường, phóng đại để tâm trạng được tan vào nắng, ngã vào gió mà ngóng mà chờ

Em
Chờ bên cửa
Bóng anh

Thở dài
Cũng chỉ quẩn quanh
Bóng hình.

Khổ thơ gần như gẫy vụn, từng con chữ bỗng chơi vơi cô độc. Cảm giác gần hơn , thực hơn được diễn bày giữa tàn đêm hoang vắng, bước chậm nép về, neo bến thiên thu.

Vẫn chỉ thi nhân lội sương tắm nắng, thức trọn vào đêm, xoay tròn duyên phận, đơn bóng một mình.
Chỉ ba cặp vần được ngát ra trải dọc, mang đến độ dài bất tận cho nỗi đơn côi.
Cách kết nối tài hoa làm nên dòng mạch trong ngần và tinh khiết, chảy vào tâm can người đọc.

Lục bát là thế, mềm mại khôn cùng, thẳm sâu khôn cùng. Bài thơ khép lại 42 con chữ ,ít mà không ngắn, hàm súc mà không bó gọn. Thủ pháp cắt ngang trải dọc ,tuy không mới nhưng cắt và trải thế nào ấy là điều đáng suy ngẫm.

Đối với chủ quan của người viết .đây là một bài thơ được biến thể khá thành công của thể loại thơ lục bát. Cũng là điểm nhấn thật ấn tượng trong thế giới thi ca muôn màu, muôn vẻ của người nữ sĩ đa đoan đã và đang làm nao lòng bạn đọc.




LÊ HIẾU (Thanh Hóa)







04. ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "PHÚT CUỐI BÊN NHAU" của hoangthilangmay


Lạnh!

Cơn gió mùa đông tràn về mang theo cả những nỗi tái tê!

Buồn!

Một chút gì len len vào dạ nghe trong lòng buốt giá!

Gần một tháng rồi tôi mới lại được đọc một bài thơ mới của chị!

Vẫn phong cách thơ ấy...những câu thơ mượt mà sâu lắng thấm vào tim mỗi người!

Vẫn những câu thơ ấy...những câu thơ làm trái tim bao người phải nhỏ lệ!

Và hôm nay cũng thế... Phút Cuối Bên Nhau... làm cho trái tim một người chưa bao giờ viết cảm nhận như tôi phải cầm bút viết!

Có thể là một món quà tri ân bất ngờ cuối năm tôi dành tặng chị, người đã hết lòng dẫn dắt tôi từ khi tôi chập chững bước vào thi đàn!

Mặc dù...tôi biết...mình viết...rất dở! nhưng tôi sẽ viết bằng cả trái tim mình và tôi hi vọng chị sẽ hạnh phúc khi đọc nó!

Ngồi lại bên nhau chỉ một lần
Một lần sau cuối lắm bâng khuâng
Rồi xa biền biệt người đôi ngả
Mặc gió chiều đông rét bội phần

Ngồi lại bên nhau chút nữa thôi
Rượu nồng ta hãy nhắp tràn môi
Bao nhiêu kỷ niệm thần tiên ấy
Hãy thả theo dòng nước cuốn trôi

Trải đầy phượng tím lối xưa qua
Sỏi đá còn vương nét ngọc ngà
Bỡ ngỡ nụ hôn đầu vụng dại
Thẹn thùng ẩn vội dưới giàn hoa

Mộng ước bên nhau cuối nẻo tình
Trăng vàng mười sáu sáng lung linh
Trăm ngàn tinh tú trên trời thẳm
Buồn buổi chia tay của chúng mình

Phút cuối tự dưng bỗng nghẹn ngào
Mắt mờ nhòe nhoẹt bóng hình nhau
Người ơi , thôi nhé xin từ tạ !
Ngoảnh mặt tủi hờn vội bước mau

Thơ của chị đa phần là tan vỡ và chia ly. Bài thơ này chỉ đọc tựa đề thôi ta cũng hiểu được rồi nhưng tại sao vẫn thích đọc dù biết nó... rất buồn??? Đơn giản thôi... vì thơ chị mang phong cách riêng rất thật, rất gần gũi với cảm xúc của con người, bởi vì...đơn giản thôi... khi đọc ta tìm thấy mình ở trong đó! Có lẽ đó cũng là lý do thơ chị có lượng người đọc đông đến thế?

Bài thơ này chị viết theo thể tứ tuyệt trường thiên, một dòng thơ khó đòi hỏi bố cục và niêm luật rõ ràng nhưng không vì thế mà trong thơ Hoàng Thị Lãng Mây mất đi vẻ mềm mại mượt mà:

Ngồi lại bên nhau chỉ một lần
Một lần sau cuối lắm bâng khuâng
Rồi xa biền biệt người đôi ngả
Mặc gió chiều đông rét bội phần

Một cuộc chia tay vào một buổi chiều mùa đông đầy lạnh giá.

Trên đời cũng có rất nhiều cuộc chia tay như thế nhưng tại sao, tại sao khi đọc cuộc chia tay trong thơ HTLM lại cho ta cảm xúc mãnh liệt đến thế?

Có phải chăng tác giả đã quá tinh vi khi sử dụng thủ pháp nghệ thuật Điệp Từ "lỗi" mà không phải "lỗi":

Ngồi lại bên nhau chỉ một lần
Một lần sau cuối lắm bâng khuâng

Vâng, một lần... chỉ còn một lần nữa thôi! Thật buồn lắm và xót xa lắm lắm, và tác giả như muốn níu thời gian, níu thời gian lại lâu hơn chút nữa để hai người được gần nhau nhiều hơn chăng? Vì nỗi buồn đó làm cho ta quên đi tất cả "mặc gió trời đông rét bội phần"

Ở khổ tiếp theo:

Ngồi lại bên nhau chút nữa thôi
Rượu nồng ta hãy nhấp cạn môi
Bao nhiêu kỷ niệm thần tiên ấy
Hãy thả theo dòng nước cuốn trôi

Lại thêm một thủ pháp điệp từ nữa ở khổ trên và khổ dưới! Chút thời gian họ ngồi lại bên nhau thật ít ỏi. Bao nhiêu kỷ niệm của một tình yêu đẹp lại ùa về trong tâm trí mỗi người rồi sau đó "hãy thả theo dòng nước cuốn trôi" sao? Không, không phải như vậy! Theo tôi nghĩ thì ở đây tác giả đã dùng một câu thơ có vẻ như buông xuôi tất cả để khỏa lấp đi nỗi buồn trong lòng mà không gì có thể khỏa lấp được. Bởi vì:

Trải đầy phượng tím lối xưa qua
Sỏi đá còn vương nét ngọc ngà
Bỡ ngỡ nụ hôn đầu vụng dại
Thẹn thùng ẩn vội dưới giàn hoa

Cảm xúc! Bởi những cảm xúc tình yêu rung động đầu đời của một con người mãnh liệt lắm mới in hằn trong tâm trí lâu và rõ ràng đến vậy! Chắc hẳn tác giả phải là một người con gái thơ lắm, tình lắm mới cảm nhận và viết lên được câu thơ "sỏi đá còn vương chút ngọc ngà", chỉ một câu thơ thôi đã nói lên tất cả tình yêu lung linh huyền ảo. Tôi nghĩ nếu không phải là nhà thơ thì cũng không ai viết được hay thế, đẹp thế!

Nhưng mà:

Mộng ước bên nhau cuối nẻo tình
Trăng vàng mười sáu sáng lung linh
Trăm ngàn tinh tú trên trời thẳm
Buồn buổi chia tay của chúng mình

Một mối tình đẹp nhưng lại phải chia tay, thật buồn! Như bao nhiêu cuộc tình chia tay khác nhưng tại sao ở đây tác giả lại chọn một buổi chia tay kéo dài từ buổi xế chiều cho đến tận đêm khuya? Chắc hẳn họ còn yêu nhau nhiều lắm mới có thể ở bên cạnh nhau, lưu luyến nhau đến như vậy. Và tại sao không phải là một cuộc chia tay đầy nước mắt với ngày trời mưa tầm tã hay một buổi chiều hoàng hôn tím ủ rũ cuối chân trời mà lại dưới ánh trăng sáng lung linh với trăm ngàn tinh tú trên cao? Có phải chăng tác giả còn có dụng ý gì khác? Có một lần tôi đọc một câu nói rất nổi tiếng "tình yêu chân thành nhất là luôn cầu mong cho người mình yêu được hạnh phúc" và có phải chăng đó là lời cuối cùng đôi trai gái đó muốn gửi gắm cho nhau? đó là thứ tình yêu thiêng liêng cao cả nhất nó vượt qua tất cả những ích kỷ của bản thân mình! Chắc chắn rằng tác giả là một con người thật trong sáng và cao thượng!

Phút cuối tự dưng bỗng nghẹn ngào
Mắt mờ nhòe nhoẹt bóng hình nhau
Người ơi, thôi nhé xin từ tạ!
Ngoảnh mặt tủi hờn vội bước mau

Tôi còn nói gì thêm được nữa nhỉ? Mùa xuân sắp đến rồi! Chỉ biết cầu mong sao những giọt nắng vàng đầu mùa sẽ xua tan đi cái lạnh giá của những ngày trời đông rét buốt!

Đây là vài dòng cảm nhận của riêng tôi !

Lời cuối cùng tôi chân thành cảm ơn chị đã đã cho tôi được thưởng thức một bài thơ hay, để tôi có những lời bình luận này! Cảm ơn chị đã dìu dắt tôi suốt quãng thời gian vừa qua và cảm ơn chị, cảm ơn chị thật nhiều!

Bài viết đầu tay nên còn hơi bỡ ngỡ và nhiều thiếu sót mong chị và bạn đọc góp ý và bỏ qua cho HNL nhé!

Chúc chị chóng bình phục sức khỏe và vui vẻ trở lại với thi đàn

HOÀNG NGỌC LAN







05. "Áo Tình Nhân"...cho ngày Valentine trọn vẹn hơn



Một mùa xuân nữa lại đến rồi! Cả đất trời chơi vơi như bừng lên sắc mới, tôi lắng nghe trong gió lời thì thầm của đất, hơi thở của trời như hòa quyện vào nhau - rực rỡ sắc màu.

Bầu trời xanh thăm thẳm... Mùa xuân - mùa của hoa lá, cỏ cây - khi những chú ong lang thang đi tìm nhụy và những cánh bướm rập rờn trong nắng mới, mùa xuân cũng là mùa của tình yêu nữa....

Bất chợt tôi nhớ ra mai là ngày lễ tình yêu.

Lang thang trên mạng buổi chiều, cũng như mọi khi tôi tìm đọc những bài thơ mới đăng của chị LM - hình như đã thành thói quen trong tôi. Tôi tự hỏi lòng không biết hôm nay chị yêu của mình có viết bài thơ nào để kỷ niệm ngày Valetine không nhỉ?

Và...kia rồi, " Áo Tình Nhân" đã xuất hiện trước mắt tôi:

Quen nhau ba mùa lá
Hò hẹn biết bao lần
Chỉ mặc áo tình nhân
Tay trong tay xuống phố

Nhiều khi em ấp ủ
Giấc mơ đẹp trong đời
Em lộng lẫy bên người
Áo cô dâu ngày cưới

Ngày lại ngày mong đợi
Anh ngỏ lời cầu hôn
Chỉ lặng thinh không nói
Em tủi phận dỗi hờn

Valentine… cô đơn
Em lặng lẽ u buồn
Áo tím màu nhung nhớ
Giữ vẹn lời sắt son

Hoàng hôn đã buông xuống
Đèn vàng vọt bên đường
Dáng quen thuộc thân thương
Vừa hiện ra trước ngõ

Với nụ cười tươi nở
Anh cầm lấy tay em
Giọng anh thật dịu êm :
“Sang năm anh xin cưới !”

Valentine...lần cuối
Em mặc áo tình nhân
Chút thẹn thùa bâng khuâng
Làm má hồng ửng đỏ!

Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ dung dị, mộc mạc, dễ gần và dễ cảm nhận!

Buồn muôn thuở là dòng thơ của chị đã quá quen thuộc với tôi nhưng hình như hôm nay chị lại khoác lên mình nó một chiếc áo mới: "Áo tình nhân"?

Quen nhau ba mùa lá
Hò hẹn biết bao lần
Chỉ mặc áo tình nhân
Tay trong tay xuống phố

Khổ thơ đầu ngân lên như một khúc hoan ca thật đẹp, thật trong trẻo cho một tình yêu dịu ngọt, lung linh, hồn nhiên, thơ mộng. Nhưng ước vọng của người con gái trong thơ đâu chỉ có thế, cô mơ ước đến một cái gì đó thiêng liêng hơn, cao cả hơn đó là: hạnh phúc lứa đôi - điều mà người con gái nào khi yêu cũng đều mong ước:

Nhiều khi em ấp ủ
Giấc mơ đẹp trong đời
Em lộng lẫy bên người
Áo cô dâu ngày cưới

Lời thơ thật trong veo cũng giống như mơ ước trong veo của cô gái vậy! Nhưng ở đời có mấy ai được toại nguyện đâu:

Ngày lại ngày mong đợi
Anh ngỏ lời cầu hôn
Chỉ lặng thinh không nói
Em tủi phận dỗi hờn

Tự dưng...tác giả lại đổi cách gieo vận khác đi so với hai khổ thơ đầu đọc lên nghe buồn man mác làm sao! Ôi, lại buồn ư, lại chờ đợi ư?

Đọc thơ của chị tôi lại muốn bật khóc... Valentine mà...!

Valentine...cô đơn
Em lặng lẽ u buồn
Áo tím màu nhung nhớ
Giữ vẹn lời sắt son

Đọc đến đây tôi thấy thương cô gái quá! Cái cảm giác yêu trong thấp thỏm, đợi chờ và lo âu thật khó chịu làm sao! Thật đáng cảm phục làm sao khi đã chờ đợi ba năm ròng mà cô gái vẫn giữ lời thề sắt son, chắc tình yêu đó phải đẹp đẽ lớn lao và cao cả lắm!

Tôi tưởng rằng đến đây bài thơ sẽ dừng lại với một kết thúc buồn...nhưng không...thật bất ngờ:

Hoàng hôn đã buông xuống
Đèn vàng vọt bên đường
Dáng quen thuộc thân thương
Vừa hiện ra trước ngõ

Ồ! Tác giả lại đổi cách gieo vận như hai khổ thơ đầu làm hai khổ cuối lại bừng sáng lên,đẹp lung linh huyền ảo như chính đôi mát long lanh của cô gái lúc này khi bất ngờ đón một niềm vui bất tận trong ngày lễ tình nhân:

Với nụ cười tươi nở
Anh cầm lấy tay em
Giọng anh thật dịu êm
" Sang năm anh xin cưới"

Một lời hứa hẹn còn gì ngọt ngào hơn được nữa? Ôi! Một cái kết thật đẹp, thật bất ngờ! Tác giả ơi! Mùa xuân này chính chị đã khoác lên một chiếc áo mới cho mình rồi đó! Cảm ơn chị!

Valentine...lần cuối
Em mặc áo tình nhân
Chút thẹn thùa bâng khuâng
Làm má hồng ửng đỏ!

Bài thơ tuy viết bằng lối viết dung dị nhưng bằng nghệ thuật gieo vận tài tình tác giả đã thành công khi tạo nên một âm điệu bổng trầm bổng cho toàn bài thơ khiến nó nhẹ nhàng len vào tim người đọc với đầy đủ cung bậc tình cảm vậy! Và xin cảm ơn tác giả đã cho tôi cùng mọi người được thưởng thức một bài thơ hay nhân ngày Lễ Tình Yêu!


Hoàng Ngọc Lan 
13/02/2014





06. CHU LONG Cảm Nhân Bài Thơ DẪN THƠ ĐI DẠO Của LÃNG MÂY


Độ này tôi cũng hay “Lang thang sục sạo “ trên các trang của thi hữu để xem thơ của các bạn Bởi bản tính tôi hay “tò mò thóc mách “ Và tôi thấy nhiều các thi hữu có những bài viết hay ,có thâm niên lâu năm trên thi đàn hình như cũng mệt mỏi chán nản lòng tin tư tưởng vào sân chơi này cũng có giảm sút thì phải,nên không thấy gửi bài hay vào thăm bè bạn.Tôi cũng nhận thấy sự đổi khác “ngược “ của sân chơi này .Nên hôm nay mạo muội

DẪN THƠ ĐI DẠO

Sáng nay trời đã vào thu
Dẫn thơ đi dạo sương mù giăng giăng
Thuyền thơ chở luật trắc bằng
Chở luôn niêm vận băn khoăn tơ vò

Này câu lục bát ầu...ơ...
Ngọt ngào khúc hát đợi chờ bấy lâu
Đường thi luật khó lao đao
Đối từ đối ý… xuyến xao cả hồn

Thơ năm chữ thích dỗi hờn
Chỉ cần gieo vận chưa tròn, khóc ngay!
Thơ tám chữ dễ giãi bày
Tứ thơ sao mượt ngất ngây cõi lòng

Thuyền thơ xuôi ngược đôi dòng
Lục bình trôi nổi bềnh bồng đuổi theo
Mùa thu gió nhẹ heo heo
Lá vàng trước gió bay vèo ngẩn ngơ!

18/07/2013

Sao không đi vào một cái mùa nào đó nó sôi động như mùa Hè .Mềm mượt như mùa xuân .Lạnh lùng như Đông giá .mà lại “dắt thơ “đi vào một mùa thu man mác.Sự trăn trở của tâm tình trở thành gối vụ .Có một điều làm tôi chú ý đó là “Chở luật trắc bằng –Niêm luật băn khoăn “ Bài thơ này đã lâu ,vậy mà tác giả đã muốn nói lên là “Người làm thơ “ người đọc thơ phải hiểu cái tối thiểu của làm và thưởng thức thơ có tiêu trí gì. Để thuyền đây mang chở.

Sáng nay trời đã vào thu
Dẫn thơ đi dạo sương mù giăng giăng
Thuyền thơ chở luật trắc bằng
Chở luôn niêm vận băn khoăn tơ vò

Khi đọc những dòng này tôi nhận thấy tâm tư ,nỗi lòng của tác giả với thơ thật mãnh liệt,Có trách nhiệm với ngôn từ câu cú ,với cái bất biến của niêm ,luât thơ . Để cho có những bài thơ hay.Những câu thơ của khổ thơ không lả lướt thướt tha nhưng mềm mại mượt mà ta đọc là thấy .Tâm hồn thơ cũng như người vậy.

Này câu lục bát ầu...ơ...
Ngọt ngào khúc hát đợi chờ bấy lâu
Đường thi luật khó lao đao
Đối từ đối ý… xuyến xao cả hồn.

Chưa biết tác giả có phải là chuyên nghiệp về thơ chưa ? Nhưng với những vần thơ Lãng Mây viết ra ,nó như bài học giúp ta biết phần nào đó về cách trải lòng nhận biết cho các dạng thơ .Ngôn ngữ mộc mạc .Lối viết chân thành ,những câu thơ của Lãng Mây có vị ngọt mát thấm dần nhan nhát. Mà sao dính kết .

Thơ năm chữ thích dỗi hờn
Chỉ cần gieo vận chưa tròn, khóc ngay!
Thơ tám chữ dễ giãi bày
Tứ thơ sao mượt ngất ngây cõi lòng.

Nói ,hay viết một cách nhân hóa thường là “Gánh thơ “ Nhưng nay Lãng Mây còn cường điệu nhân cách hóa hơn nhiều Tác giả đã dùng “Thuyền thơ “

Tuy là cường điệu ,nhưng không “Ngoa ngôn “ Hư cấu" , nhưng lại thật trong trừu tượng của chất thơ ,mà không phải ai cũng biết cách dùng đúng chỗ như bài thơ này .”Thuyền xuôi ngược “ Lục bình đuổi theo “ Để rồi “Lá vàng trước gió bay vèo ngẩn ngơ “

Thuyền thơ xuôi ngược đôi dòng
Lục bình trôi nổi bềnh bồng đuổi theo
Mùa thu gió nhẹ heo heo
Lá vàng trước gió bay vèo ngẩn ngơ!

Thật mơ mộng ,huyền ảo đến ngây dại .Một bài thơ lục bát bốn khổ ba phần .Phần mở ,và phần đóng ( Kết ) hài hòa ,rất ăn khớp “Khổ mở băn khoăn tơ vò. Khổ kết “bay vèo ngẩn ngơ”. đọc cùng ngẫm để thấy cái chuyên môn của người viết. Trách nhiệm cùng đạo đức cũng như sự tôn trong của tác giả với bạn đọc .Thơ không viết để cho mình ,mà thơ viết cho bạn đọc .Chính vì vậy người viết cần thận trọng trong câu từ ý tứ để người đọc đón nhận và cảm nhận được ngấm ,cái hay của thơ trong người viết . Bài này Lãng Mây đã làm được.

Với bài thơ này tôi không cần phải phụ họa hay minh họa thêm dẫn chứng mà chỉ cần những ngôn tưừ ý ngữ của bài thơ đã nói lên đủ cái hay cái thật của cả hai -THƠ và NGƯỜI.

Cám ơn bạn đọc cùng thi hữu đồng hành chia sẻ với tôi .Cám ơn tác giả bài thơ .Chúc tất cả Hạnh Phúc và Thành Công .

Hải Phòng 24/3/2015 Chu Long




07. Diễn Đàn Lê Quý Đôn giới thiệu Thơ hoangthilangmay

https://diendanlequydon.com/viewtopic.php?t=385161







08. “Vần thơ khắc khoải” thiết tha, nồng nàn một trái tim yêu 




Trong cuộc đời mỗi con người hầu như ai cũng có ít nhất một điều để nhớ và một người để yêu thương, khao khát… Đỗ Mỹ Loan cũng không phải là ngoại lệ. Giữa mê cung trần thế với bao khát vọng cùng những rung cảm sâu sắc của con tim, chị đã đăng trình cõi lòng mình lên những trang thơ để được đồng cảm, sẻ chia. Những nỗi niềm tâm sự buồn vui, những ký ức cuộc đời trôi theo dòng thời gian… mà Mỹ Loan đã giữ gìn, nâng niu, chị đã gửi trọn vào thi tập “Vần thơ khắc khoải”.


“Vần thơ khắc khoải” phần lớn là những bài thơ tình với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những ký ức ngọt ngào về mối tình đầu thơ ngây, chân thật: “Có sợi nắng nào rơi trên tóc sáng nay/ Cho ta chợt nhớ nụ hôn một thời thơ dại/ Nhịp chân bước giẫm lá vàng tê tái/ Góc sân trường giọt nắng chao nghiêng/ Ngày tháng xưa xa sao nhớ triền miên/ Nhánh hoàng điệp rực vàng lao xao gió/ Nhặt cánh hoa đem ép vào trang vở/ Trưa giảng đường ngồi dệt chuyện thần tiên” (Xôn xao nỗi nhớ).


Có khi là nỗi xót xa, nuối tiếc về mối tình xưa không trọn vẹn để lại trong lòng niềm khắc khoải khôn nguôi: “Từ độ chia tay thuyền tách bến/ Đi về bóng lẻ dấu cô liêu/ Lục bình xuôi ngược trôi lơ đễnh/ Tim tím màu hoa giữa ánh chiều” (Thuyền và bến).


Khi tình yêu ra đi dù là do nguyên nhân gì đi nữa vẫn để lại vết thương lòng rất khó chữa lành trong lòng người con gái. Nỗi buồn chia ly luôn gặm nhấm nơi đáy tim, tác giả miêu tả nỗi buồn của lòng người nhuộm cả vào không gian, cảnh vật: “Và thế là ta thực sự chia tay/ Trước mặt anh em giả vờ vô cảm/ Vừa chớm đông mà vòm trời ảm đạm/ Mây tím buồn như nhuộm cả không gian” (Vụn vỡ yêu thương).


Điều đáng trân trọng ở Mỹ Loan là chị có một tình cảm sâu sắc song không phải vì vậy mà cứ ôm hoài nỗi tiếc nhớ, sầu thương…, chị đã quyết định chôn chặt tình yêu ấy nơi một góc con tim, xếp lại quá khứ và sống thật vui với hiện tại, với những gì mình đang có: “Hãy cười lên đừng nước mắt tuôn tràn/ Hãy xếp lại những yêu thương rạn vỡ/ Hãy gom góp mọi đãi bôi trăn trở/ Gởi gió mây đem giấu tận cuối trời” (Buông bỏ). Trong dòng đời với muôn vàn những đục trong, thị phi, dẫu mang trong mình nỗi buồn riêng tư


nhưng Mỹ Loan vẫn vươn lên để sống tốt hơn như đóa hoa Hướng Dương luôn nhìn về phía mặt trời để đón những tia nắng vàng ấm áp. Trong tập thơ này bên cạnh những bài thơ đầy tâm trạng, đầy tâm sự vẫn có một số thi phẩm ánh lên niềm vui trước thiên nhiên tạo vật, trước những âm thanh cuộc sống: “Tháng giêng rót mật cho hoa/ Lung linh màu áo… tím cà mộng mơ/ Tháng giêng tựa ngõ mong chờ/ Lời ru nồng thắm bên bờ yêu thương” (Rộn rã tháng giêng). Đỗ Mỹ Loan đã biết chọn cho mình cách sống đúng đắn nhất: “Hãy đứng lên đi về phía mặt trời/ Xua tăm tối - ngoài kia đầy ánh sáng/ Hãy buông bỏ nỗi ngậm ngùi chán ngán/ Ôm vào lòng tia nắng ấm ban mai” (Đi về phía mặt trời).


Thơ tình vốn tự thân đã luôn hấp dẫn người đọc, thơ tình Đỗ Mỹ Loan lại càng có sức lay động lòng người bởi đó là những thi phẩm được viết lên bởi một tâm hồn đa tình, đa cảm, thiết tha yêu người, yêu đời.


Tin rằng sau “Vần thơ khắc khoải” độc giả xa gần sẽ còn tiếp tục được đón đọc những tác phẩm thơ hay và giàu ý nghĩa của chị.


Nhà văn THÁI SƠN




09. “THƠ ƠI XUỐNG PHỐ” khắc khoải một tình yêu 



Trong cuộc đời của mình có lẽ ai cũng đã từng nếm trải những thăng trầm của cuộc sống như: vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau… Bao năm tháng đã trôi đi, bao thăng trầm đã trải nghiệm để lại trong chúng ta đong đầy cảm xúc. Sẽ là rất tuyệt vời khi có thể ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất thông qua nghệ thuật thi ca, bởi một lẽ thi ca là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tìm về với thi ca là tìm về với chính bản ngã của mình. Thiết tha yêu đời, yêu người, đam mê sáng tạo nghệ thuật, nữ thi sỹ Đỗ Mỹ Loan đã mang đến cho độc giả xa gần những vần thơ giàu cảm xúc, chứa chan tình cảm qua thi tập “Thơ ơi xuống phố”.
“Thơ ơi xuống phố” viết chủ yếu về đề tài tình yêu đôi lứa. Đó là tất cả cung bậc cảm xúc của tình yêu, là tiếng nói của con tim luôn khao khát yêu và được yêu đến cháy bỏng. Trong thi tập này chúng ta thấy được ở Đỗ Mỹ Loan một nỗi niềm chất chứa, những day dứt, khắc khoải về mối tình xưa tan vỡ: “Ai về ngang lối cũ/ Nhặt chút tình tôi rơi/ Ngoảnh nhìn về quá khứ/ Yêu thương rộn rã lời” (Ai về ngang…?”.
Người đã ra đi quên hết những câu thề ước để lại cho nhà thơ nỗi nhớ nhung, sầu muộn không thể nào nguôi: “Đâu còn ai nữa để chờ mong/ Tháo cũi sáo bay vút khỏi lồng/ Ông lái ngỡ ngàng bên gối mộng/ Con thuyền tách bến nhớ chi sông/ Áo tím ngày xưa ủ rũ sầu/ Cung đàn réo rắt chuyện tình ngâu/ Dang tay chẳng níu câu thề nguyện/ Một kiếp đa đoan lệ hóa nhàu” (Áo tím mùa thu). Khi tình yêu không đỗ bến, Mỹ Loan rất buồn nhưng không bi lụy, nữ thi sỹ đã tự đứng lên rất mạnh mẽ, kiên cường: “Người đã ra đi… còn chi nữa đợi chờ/ Ta sẽ tự đứng lên sau cơn trượt dài thê thảm/ Màu mây buồn giăng giăng ảm đạm/ Tan vỡ rồi… đừng nuối tiếc uổng công!/ Hãy là mây một kiếp tang bồng/ Hãy là gió trọn đời phiêu lãng/ Gởi cơn mưa nỗi muộn phiền nghẹn đắng/ Tìm cho mình một góc khuất bình yên…” (Bất ngờ hai lối rẽ).
Thơ tình của Mỹ Loan thường nhuốm màu hoài niệm, chị hay tìm về chốn xưa lối cũ để tìm lại những cảm xúc tình yêu vẫn còn vương mang: “Em đã trở về… mắt xót cay/ Lối xưa rêu phủ nhện giăng đầy/ Cỏ lau vướng víu thêm hờn tủi/ Đêm đã ngập tràn… lạnh buốt vai/ Em đã trở về… anh ở đâu?/ Trăng xưa đã chếch tận ngang đầu/ Ánh vàng héo hắt màu phai nhạt/ Tội nghiệp thơ vần chịu bể dâu” (Em đã trở về).
Nhưng tất cả giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, chỉ là hư ảo, lòng nhà thơ quặn thắt nỗi xót xa, tủi hờn: “Ta chạy lòng vòng tìm chút dấu yêu xưa/ Nhưng tất cả chỉ là huyền thoại/ Cổ tích tình lạc vào miền hoang hoải/ Nỗi tủi hờn bên mười ngón tay suôn” (Tình đã phôi phai).
Trong thi tập này Đỗ Mỹ Loan viết rất nhiều về mùa thu, phải chăng mùa thu gắn với những kỷ niệm buồn vui trong tình yêu của chị. Và có lẽ mùa thu với cái buồn man mác đã mang lại cho nữ thi sỹ những cảm xúc mãnh liệt nhất để chị viết thành thơ: “Mùa thu bỏ đi đâu/ Để chiếc lá vàng ngơ ngác/ Tiếng chân ai giẫm lên nghe xào xạc/ Quá khứ xoay tròn mười ngón ủ ê/…/ Thu bỏ đi đâu cho dạ rối bời/ Khung cửa hẹp quên trâm cài lược giắt/ Bình minh về phấn son chừng phai nhạt/ Tháng bảy mỏi mòn chờ đợi dáng thu xưa” (Chờ đợi dáng thu xưa).
Mỗi khi thu về là lòng Mỹ Loan lại xao xuyến, thổn thức. Chị yêu lắm cái hương sắc của mùa thu bởi thu đến mọi vật trở nên rất duyên, rất tình tứ: “Nắng vàng như trải thảm/ Thức dậy nào, thơ ơi!/ Cùng xuống phố dạo chơi/ Mùa thu về rồi đó!/…/ Ngày mùa thu đẹp lắm/ Gió dìu dịu trên cành/ Mây trắng lượn lờ quanh/ Khóm cúc vàng mới nở” (Thơ ơi, xuống phố).
Đỗ Mỹ Loan rất nhạy cảm với sự chuyển mình của thời gian, đặc biệt là từ hạ sang thu. Chỉ vài nét chấm phá mang đậm chất hội họa chị đã ghi lại được khoảnh khắc thu về rất rõ nét: “Hạ vẫy tay từ biệt/ Ve lặng tiếng trên cành/ Sót lại vòm lá xanh/ Lưa thưa vài nhánh phượng/ Những bông hoa trổ muộn/
Níu lấy sợi tơ vàng/ Tờ lịch mới lật sang/ Tháng tám vừa qua ngõ” (Chào tháng tám).
Bên cạnh những cung bậc cảm xúc của tình yêu “Thơ ơi xuống phố” còn là nỗi niềm tâm sự về cuộc đời thiếu thốn tình cảm của tác giả. Mới mười mấy tuổi đời Đỗ Mỹ Loan đã phải chịu nỗi đau mất mẹ, thật đáng thương biết nhường nào: “Mẹ bỏ con rồi… giữa bão tố cuồng phong/ Mười bốn tuổi… đầu quấn vành khăn trắng/ Đứa con gái mồ côi tháng ngày thầm lặng/ Nỗi tủi hờn cúi mặt khóc rưng rưng/…/ Mẹ bỏ con rồi… bốn mùa rét tái tê/ Cơn mơ được ngủ vùi trong vòng tay ấm/ Nghe mẹ kể chuyện ngày xưa cô Tấm/ Quả thị thơm… bà mẹ kế hung tàn” (Mẹ bỏ con rồi!). Và bà ngoại chính là người mẹ thứ hai của chị, bà đã thay con gái nuôi dạy đứa cháu lớn khôn. Mỗi mùa Vu Lan đến lòng Mỹ Loan lại đau đáu nỗi nhớ thương về mẹ và Ngoại: “Mẹ sinh con ra/ Nuôi con lớn khôn là Ngoại/ Mùa Vu Lan tháng bảy/ Nghĩ về Người lòng đau đáu nhớ thương/…/ Nhìn đóa hoa hồng trắng ngậm ngùi/ Con nhớ Ngoại đã lâu rồi khuất bóng/ Tháng bảy về với nỗi niềm lắng đọng/ Vần thơ buồn nhớ ngoại khóc rưng rưng” (Vu Lan nhớ Ngoại).
“Thơ ơi xuống phố” là những cung bậc cảm xúc của một người phụ nữ luôn khao khát yêu và được yêu. Giữa dòng đời với muôn vàn những đục trong, thị phi, nữ thi sỹ dẫu mang trong mình nỗi buồn riêng tư vẫn vươn lên để sống tốt hơn, như đóa hoa hướng dương luôn nhìn về phía mặt trời đón những tia nắng ấm áp. Tin rằng những vần thơ ngọt ngào, giàu cảm xúc, giàu nghệ thuật của chị sẽ để lại ấn tượng sâu sắc và nhận được sự yêu mến của đông đảo độc giả.


SÁCH VÀ TRI THỨC VIỆT
Tháng 10/2017



10. XÚC CẢM!!!..THƠ - ĐỜI HOÀNG THỊ LÃNG MÂY



Tôi gặp Hoàng Thị Lãng Mây rất tình cờ như mọi sự tình cờ ở những vần thơ. Chỉ khác là đọc thơ em rồi trong lòng luôn khát khao được coi em là hồng nhan tri kỷ.

Tôi muốn viết thật nhiều về em mà hiểu biết giới hạn, tinh lực giới hạn. Đôi khi còn sợ góc nhìn ấu trĩ của mình làm tổn thương đến những câu vần được chưng cất từ trí não, từ con tim đang đập nhịp đập sắt se đau đớn.

Đối với tôi Hoàng Thị Lãng Mây không thuộc một biểu tượng, tôi viết về em đơn giản vì một tấm lòng.

Tôi gọi tiếng "em" chân thành cho dù ngoài đời có thể tôi còn ít hơn em năm bảy tuổi. Nhưng điều đó có hề chi khi nàng thơ trong em đã khắc vào tim không bôi xóa nổi. Thơ em đã cho tôi miền trú ngụ ấm áp thanh tao để tự tâm gột rữa những rêu phong dâu bể đời thường.

"Hãy thong dong đi trọn nẻo đường đời
Dù đá sỏi gập ghềnh bao chướng ngại
Chân cứ bước mặc đêm dài tê tái
Dẫu trời đông buốt giá ngập sương giăng". ( Trích thơ Lãng Mây)

Hoàng Thị Lãng Mây không chỉ mang đến diễn đàn thơ một số lượng lớn với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Công chúng yêu thơ đón nhận những tác phẩm đã được xuất bản với sự thẩm định nghiêm ngặt của NXB HỘI NHÀ VĂN, NXB THANH NIÊN. Những" Bóng Mây, Khúc Tương Tư, Mây Tím, Nối Lặng Trong Đêm hay Vần Thơ Tri Kỷ" là minh chứng một sức viết kì lạ của người nữ sĩ đang phải hằng ngày vật lộn với căn bệnh thể chất của se sắt con tim.

Không biết có phải thơ là thần dược cho trái tim bé bỏng đang loạn nhịp của em không? hay như một nữ sĩ phương Tây đã từng nói:

" Đây là khoản hao mòn kinh khủng nhất
Hao mòn tim và mai một tinh thần"

Mà em vẫn cứ viết vẫn cố dành thời gian giao lưu với những bạn thơ yêu quý mình.

Lãng Mây ơi!" áng mây buồn muôn thuở" trong tâm hồn " Lều Thơ Phiêu Lãng" đừng bay quá xa hãy trở về với diễn đàn thơ với mái ấm dưỡng nuôi mầm chồi thơ ca của mình. Dẫu nơi đây còn nhiều tao loạn, lắm đa đoan.

Nhiều khi trăn trở dõi theo đường thơ mà biết em đang đi và hướng tới cách biểu cảm như một "kiếp tu" để đẩy cao giá trị tuyệt đỉnh của đạo đức.

Nhưng!... Lãng Mây ơi!..

" Đời thăng trầm dâu bể
Em mỏng manh tơ trời..." ( trích thơ Lãng Mây )

Hãy mở rộng ý nghĩa của chữ tu cho hồn thơ em mãi lấp lánh sắc màu, cho những khát khao cháy bỏng. Hãy cứ điểm trang cho những xúc cảm đang thao thức trong nhịp đập trái tim bé bỏng đáng thương ấy mà đợi chờ như em đã từng "Chải tóc chờ thu"

Dù ở góc nhìn nào người yêu thơ cũng thẩm thấu được một ý tưởng thơ, một phong cách thơ thật nồng nàn nhân hậu . Tuy khá thành công trên cung bậc văn chương. Lãng Mây vẫn ẩn sâu khép mình trong khung trời thơ ca đương đại.

Một lần tình cờ lang thang trên mạng tôi đọc được bài viết của báo Bình Dương về cô giáo nhà thơ Đỗ Mỹ Loan tên thật của Lãng Mây hiểu được đôi chút về cuộc sống hiện tại về những cơn đau em đang phải vật lộn mà cảm phục mà yêu kính vô ngần.

Một tâm hồn, một trái tim luôn vượt lên nỗi đau thể chất, để vẫn rộn ràng đập những nhịp đập nồng nàn đôn hậu với thơ với đời. Những câu chữ vuột ra từ trái tim không khỏe mạnh ấy đã làm chuếnh choáng hồn tôi.

Lãng Mây ơi!

Hãy để những " Nốt lặng trong đêm" tấu lên khúc tình ca rạng ngời tình yêu đôi lứa. Hãy để vầng "mây tím" lãng du bồng bềnh bay trên khung trời thơ ca mà điểm trang sắc màu cho thêm lung linh dịu vợi.

Những " vần thơ tri kỷ " kia mãi mãi là cầu nối xuyên suốt mọi tâm hồn thơ để khẳng định: " Không có con đường nào đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn con đường đến với thơ ca"./.


BMT – Ngày 10/7/2015

LềuThơPhiêuLãng 



11. “Hoàng hôn gọi nắng” - khắc khoải một tình yêu

 

Trong rừng hoa thi ca thì thơ tình chính là loài hoa đẹp nhất, nhiều hương sắc nhất. Cho dù là người khô khan nhất, ít lãng mạn nhất khi đã bước chân vào cõi yêu cũng trở thành “thi sĩ”, bởi một lẽ có những tâm tình, những nỗi niềm chỉ nói được bằng thơ. Tha thiết yêu bằng tình cảm chân thành, trái tim Đỗ Mỹ Loan luôn phập phồng, thổn thức, chị đã viết nên những vần thơ đầy xúc cảm, rất lãng mạn và có sức lay động lòng người. Trong dòng đời tấp nập với muôn vàn những đục trong, thị phi, nữ thi sĩ dẫu có nỗi buồn riêng mang vẫn vươn lên để sống tốt hơn, như đóa hoa hướng dương luôn nhìn về phía mặt trời đón những tia nắng ấm áp. Ngay từ cái tên của tập thơ “Hoàng hôn gọi nắng” cũng đã đưa người đọc lạc vào không gian thơ mộng của chị và rồi được đắm chìm trong một dạ tiệc thơ thật say đắm, đam mê.

Thơ Mỹ Loan thường nặng về cảm xúc, những gì chị viết ra chính là những nỗi niềm tâm sự của một hồn thơ đa sầu đa cảm. Chính vì vậy mới đọc qua người đọc cảm thấy mông lung, khó hiểu giống như truyện mà không có cốt truyện:

“Hết cơn buốt giá mùa đông
Nàng xuân rực rỡ điểm hồng mắt môi
Với tay níu mảng tơ trời
Bóng chiều chậm lại… sáng ngời niềm tin
Vẫn còn đâu đó ân tình
Cùng nhau chia sẻ gập ghềnh lối qua
Vần câu đằm thắm mượt mà
Hoàng hôn gọi nắng thiết tha cuối ngày”
(Hoàng hôn gọi nắng)

Chúng ta thấy trong thi tập này Mỹ Loan viết nhiều về mùa thu bởi mùa thu đẹp dịu dàng, mùa thu gợi lên nỗi buồn man mác chạm đến nỗi niềm sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ. Đứng trước mùa thu người ta thường tìm thấy bản ngã của mình, sống thật với cảm xúc của mình chứ không gồng mình lên để chế ngự cảm xúc, không tạo vỏ bọc mạnh mẽ bên ngoài còn bên trong thì như mối tơ vò. Mùa thu là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của thi sỹ:

“...Sáng nay rộn rã thu về
Heo may nhè nhẹ bốn bề phủ giăng
Chợt nghe một chút băn khoăn
Chợt nghe một chút dịu dàng… rất thu
Nhớ sao khúc hát lời ru
Nhớ thuyền thơ mãi mịt mù nẻo xa”
(Gửi ai chút dịu dàng thu)

Mùa thu chính là người bạn tri kỷ luôn luôn thấu hiểu và đồng cảm với thi nhân:

“Gió thổi về thêm lạnh buốt bờ vai
Bên ốc đảo nhìn bóng mình hiu hắt
Rồi không dưng nhạt nhòa dòng nước mắt
Mưa mùa thu sao day dứt cõi lòng?”
(Day dứt mưa thu)

Cảm hứng chủ đạo của “Hoàng hôn gọi nắng” là tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa. Là người thường xuyên đi xa nên nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tim Mỹ Loan. Trước mỗi khung cảnh bên xứ người đều làm cho nhà thơ nhớ quê hương đến cồn cào, da diết:

“Chẳng thể nào!
Chẳng thể nào quên được quê hương!
Khi giờ đây quê hương mịt mờ khuất bóng
Chiều Marseille
Ngắm trùng dương ầm ầm dậy sóng
Ta thẫn thờ chợt nhớ xa xăm

Gợi lại trong ta ngàn nỗi dấu yêu
Thèm lặng ngắm mơ màng khói bếp
Vườn nhà ai mái tranh khép nép
Dưới hàng dừa mát rượi bóng râm”
(Quê hương chẳng thể nào quên)

Mặc dù đang ở thành phố Marseille hoa lệ song lòng Mỹ Loan luôn hướng về quê hương xứ sở với một nỗi nhớ thương khôn nguôi. Nhớ quê nhà đến quặn lòng chị đã không kìm nén được cảm xúc, không nói được nên lời mà chỉ thấy khóe mắt cay cay:

“Nhớ quê hương không nói được thành lời
Thời tuổi nhỏ biển là niềm hạnh phúc
Rồi bỗng dưng biển xanh màu hóa đục
Tiếng gầm gào nổi sóng tận khơi xa
Ngắm Marseille sao cảm xúc vỡ òa
Khoảng không gian giờ xa lơ xa lắc
Nhớ quê nhà để cay nồng khóe mắt
Màu biển xanh giờ đã khuất nghìn trùng”
(Đến Marseille chợt nhớ…)

Nhớ về tổ quốc có lẽ Mỹ Loan nhớ nhất là Sài Gòn bởi nơi đây đã ghi dấu biết bao kỷ niệm không thể phai mờ theo năm tháng. Đã xa rồi những cơn mưa vội vã làm ướt áo trên con đường lá me rơi:

“Vòng tròn sao lệch một bên
Vẽ đi vẽ lại… chẳng nên vòng tròn
Còn ta ủ rũ héo hon
Nhớ chi nhớ lắm Sài Gòn đã xa!
Ngoài hiên bóng nước nhạt nhòa
Giọt thưa giọt nhặt nghe da diết buồn
Sài Gòn chiều có mưa tuôn?
Nhớ lần ướt áo trên đường lá me”
(Nhớ lắm Sài Gòn ơi!)

Nói đến thơ Mỹ Loan người ta nghĩ ngay đến mảng thơ tình bởi đó là sở trường của chị. Nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu đã được chị đưa vào trang thơ rất chân thật nhưng cũng rất tinh tế, thi vị. Thơ tình Mỹ Loan là tiếng nói của con tim luôn khao khát yêu và được yêu. Nhà thơ không yêu theo kiểu cuồng nhiệt, dữ dội mà rất nhẹ nhàng, dịu êm như những giọt mưa mùa xuân phảng phất mà thấm tận sâu vào trong lòng đất. Trong muôn vàn cảm xúc ấy nổi bật nhất là những xót xa, tiếc nuối, day dứt về mối tình xưa tan vỡ, bóng người xưa đã xa khuất để lại nơi chị nỗi giận thương , nỗi cô đơn khắc khoải. Mỹ Loan vẫn luôn hi vọng và chờ đợi phép màu nhưng dường như cái chị đợi chờ chẳng bao giờ xảy đến, hai người giống như hai bờ sông nhìn thấy nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông ngăn cách. Bóng hình xưa giờ đây đã cách biệt trùng trùng, không phải cách biệt của không gian địa lí mà cách biệt của cõi lòng mới chính là điều xót xa nhất:

“Cảm xúc trào dâng cuồn cuộn cõi lòng
Nhớ Melbourne với nồng nàn ước hẹn
Nắm tay nhau đi tận cùng trời biển
Vậy mà giờ… lặng lẽ nỗi cô đơn!
Con đường tình Paris nếm phải tủi hờn
Không muốn khóc mà môi nghe mằn mặn
Mùa thu Paris để sầu tóc ngắn
Tội chiếc lá vàng u uất nhớ xa xăm…”
(Con đường tình Paris)

Thi sỹ khao khát được trở về với những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi, chị gọi người yêu trong vô vọng, gọi đến khi con tim như vỡ vụn:

“Về cùng em đi anh!
Thèm nghe tiếng dỗ dành
Thèm cùng nhau dạo phố
Ngắm mây trời ngát xanh

Anh mang theo lời hứa
Về thăm thẳm đất trời
Em bước lẻ chơi vơi
Khúc nhạc lòng tan vỡ.”
(Khúc nhạc lòng tan vỡ)

Khi nỗi cô đơn xâm chiếm thì dù ở nơi phố phường tấp nập hay núi rừng hoang vắng thì vẫn chỉ có những vần thơ làm bạn tâm tình. Đến với đất trời Tây Nguyên những tưởng hòa mình vào thiên nhiên cỏ cây sẽ vơi đi được nỗi niềm ngờ đâu nỗi sầu lẻ bóng càng tăng lên gấp bội:

“Chỉ riêng ta bóng lẻ âm thầm
Vướng víu chân ngập đầy lau lách
Hoàng hôn xuống sương mù dày đặc
Phía thung sâu mờ mịt dáng người
Tựa lưng vào vách núi chơi vơi
Chẳng còn ai bên đời hiu quạnh
Mưa mãi rơi cho sầu mọc nhánh
Tứ thơ buồn gửi lại Tây Nguyên!”
(Tứ thơ buồn gửi lại Tây Nguyên)

Một thời đã xa giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, chỉ còn là kỷ niệm được cất giữ nơi đáy tim, ai đã từng yêu và đã từng tan vỡ trong tình yêu mới hiểu được nỗi cô đơn, trống vắng, mới biết thế nào là những đêm thức trắng, vò võ canh trường. Khi tình yêu ra đi, trái tim Mỹ Loan đã chọn cho mình giải pháp là sẽ chôn chặt mối tình ấy vào một nấm mồ không tên, để cho kỷ niệm được ngủ yên:

“Gửi lại Paris nỗi vấn vương
Hàng cây úa lá rụng ven đường
Sông Seine mờ ảo trôi nhè nhẹ
Hoa cỏ mơ màng đẫm giọt sương

Gửi lại Paris nửa nụ cười
Để dành nửa nụ giữ riêng tôi
Vườn xưa đã khép đầy hoang lạnh
Lạc khúc ca dao nghẹn đắng lời”
(Gửi lại Paris)

Và thi sỹ đã góp nhặt những niềm vui, nở nụ cười bước tiếp, làm bạn với gió trăng, với vũ trụ bao la:

“Đã qua rồi tháng tám bão giông
Em nhuộm nỗi buồn bằng gam màu tím ngắt
Níu sợi mây xa giấu che niềm hiu hắt
Nốt lặng chừng rớt vội giữa hư không

Tháng chín về góp nhặt những niềm vui
Còn sót lại trong bộn bề ký ức
Hãy mỉm cười ruổi rong bàn chân bước
Cùng gió trăng ngắm vời vợi thiên hà.”
(Em và tháng chín)

Thế giới thơ tình của Đỗ Mỹ Loan mênh mông bất tận.Đó là những cung bậc cảm xúc yêu thương, nhớ nhung, giận hờn… trong tình yêu. Nếu không có tâm hồn yêu thơ ca và một tấm lòng bao dung, vị tha thì có lẽ tác giả đã không thể viết được những vần thơ làm rung động trái tim độc giả đến vậy! Xin chúc cho hồn thơ của chị sẽ luôn thăng hoa để tiếp tục viết nên những bản tình ca đi cùng năm tháng.

BBT Văn phòng sách & tri thức Việt





12. “CHCN TA VÀ THƠ”

tiếng nói của trái tim tha thiết yêu người, yêu đi, yêu thi ca

 



Bao năm tháng đã trôi đi, bao thăng trầm đã trải nghiệm để lại trong chúng ta đong đầy cảm xúc. Sẽ là rất tuyệt vời khi có thể ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống một cách trọn vẹn nhất thông qua nghệ thuật thi ca, bởi một lẽ thi ca là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tìm về với thi ca là tìm về với chính bản ngã của mình. Những ai đã yêu thơ, say thơ như Đỗ Mỹ Loan đều xem thơ là người bạn tri âm, tri kỷ, là nơi để gửi gắm những tâm tư tình cảm, những nỗi niềm tâm sự buồn vui. Với Mỹ Loan thì trên đời này có những điều chỉ nói được bằng thơ.

Đọc xong bản thảo tập thơ “Chỉ còn ta và thơ” của Đỗ Mỹ Loan trong lòng tôi bỗng trào dâng những cảm xúc khó tả. Trước hết tôi cảm phục nghị lực phi thường của chị bởi chị là người biết vươn lên trong nghịch cảnh: Ba mẹ mất sớm phải ở với bà ngoại, một mình chị gánh vác gia đình nuôi 4 đứa em. Trong hoàn cảnh đó Mỹ Loan vẫn có thể làm thơ mà thơ lại rất hay. Thơ chị rất giàu cảm xúc và chứa chan tình cảm, nhà thơ nhìn cuộc sống qua lăng kính của một trái tim luôn nóng bỏng tình người, tình đời. Mỹ Loan là một người con, người cháu hiếu thảo, vì ba mẹ mất sớm nên bà ngoại chính là người mẹ thứ hai của chị. Chị luôn dành cho Ngoại của mình sự kính yêu và biết ơn vô bờ bến, mặc dù Ngoại đã đi xa lâu rồi song hình ảnh thân thương ấy mãi khắc sâu trong tâm trí:

Mưa gọi dậy lúc nửa đêm
Choàng tỉnh giấc nghe chảy tràn nỗi nhớ
Mười lăm năm Ngoại thành người thiên cổ
Con một mình phải chịu cảnh mồ côi

Nằm nghe mưa con nhớ Ngoại vô ngần
Tiếng tí tách ngỡ lời ru êm ái
Gió ngoài hiên ngỡ bước chân của Ngoại
Nụ cười hiền… con nhớ mãi không thôi!
(Đêm nghe mưa nhớ Ngoại)

Trong thi tập này Mỹ Loan viết rất nhiều về mưa bởi một lẽ mưa thường gieo nỗi nhớ, mưa gõ cửa những hoài niệm đưa chị về miền ký ức xa xôi. Mưa đêm làm cho chị nhớ Ngoại khôn nguôi và mưa chiều lại gợi nhớ về Mẹ: “Nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương/ Tim quặn thắt nhớ mẹ hiền vô kể/ Mẹ là vòm trời che cho con ngàn dâu bể/ Con lớn khôn đi từng bước vào đời/ Chiều nay ngồi ngắm mưa rơi/ Nghe nhớ lắm lời ca dao buổi trưa hè mẹ hát ru con ngủ/

Tình yêu mẹ giúp con vượt thác ghềnh bão lũ/ Mãi muôn đời con yêu mẹ, mẹ ơi!” (Chiều mưa nhớ mẹ). Mỗi lần nhớ về Mẹ lại tiếp thêm sức mạnh cho Mỹ Loan vững bước trên dòng đời đầy dâu bể.

Mỹ Loan là một người yêu đạo vì vậy mà thơ chị mang đậm những triết lý nhân sinh của nhà Phật:

“Chủ nhật chẳng buồn cũng chẳng vui
An nhiên tự tại… chớ bùi ngùi
Thả trôi đi hết bao sân hận
Mượn chữ đề thơ… bớt sụt sùi…
(Chủ nhật của tôi)

Với nhà thơ, cuộc đời là “sắc sắc, khôn không”, đời người là bọt nước vô thường, chỉ như một giấc chiêm bao, như áng mây bay ngang bầu trời: “Cuộc đời ngắn tựa chiêm bao/ Phù vân thoắt cũng bay vào hư vô/ Sắc không…không sắc…hững hờ/ Vui cùng con chữ…vần thơ tự tình!” (Mở cửa tháng ba).

Mỹ Loan thường tìm thấy sự an nhiên khi hòa mình vào thiên nhiên vũ trụ, cỏ cây hoa lá:

Nằm phơi mình trên cát/ Ngắm mặt trời đang lên/ Nghe rì rào biển hát/ Bọt trắng xóa dập dềnh/ Từng sợi vàng lấp loáng/ Trải thảm mặt nước xanh/ Biển vào xuân duyên dáng/ Lao xao khúc tự tình/ Nằm gối đầu lên sóng/ Nỗi buồn chừng đi hoang/ Hồn thơ như lắng đọng/ Giữa khơi xa ngút ngàn” (Biển xuân). Chị tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn khi hòa mình vào thơ, tháng ngày rong ruổi bên vần thơ góp nhặt sự thanh thản, tìm lại niềm vui và sự yêu đời: “Em ngồi hong tóc trước hiên/ Gió ngang ghé đậu vai mềm ngẩn ngơ/ Mùa Xuân đến thật tình cờ/ Rộn ràng hoa lá bên bờ giậu thưa/ Buông vần nhả chữ say sưa/ Hồn thơ dào dạt như vừa tái sinh/ Nghe hương gió mới tự tình/ Lao xao khúc hát yên bình trong tâm” (Khúc hát yên bình).

Đỗ Mỹ Loan yêu đời, yêu đạo, yêu thơ và còn yêu cả bao thế hệ học sinh của mình. Chị còn nhớ như in cái ngày đầu tiên trong sự nghiệp “trồng người” của mình với biết bao bỡ ngỡ, bối rối:

Ngày đầu tiên đi dạy
Con tim cứ bồi hồi
Áo lụa trắng một thời
Còn thơm mùi vải mới

Ngày đầu tiên xa lạ
Rồi cũng thành thân quen
Kìa phấn trắng bảng đen
Lời giảng còn đọng lại

Ngày đầu tiên nhớ mãi
Ánh mắt nhìn vấn vương
Của trò nhỏ yêu thương
Dành cho cô giáo trẻ”
(Ngày đầu tiên đi dạy).


“Chỉ còn ta và thơ” là những vần thơ chân thật, mộc mạc mà không kém phần sâu sắc, tinh tế chắc chắn sẽ nhận được sự yêu mến của đông đảo độc giả. Có thể khẳng định rằng giờ đây không phải chỉ còn “Mỹ Loan và thơ” nữa mà còn biết bao người yêu thơ vẫn luôn dõi theo chị, yêu thơ chị và đồng cảm với những nỗi niềm chị gửi gắm trong thơ.

BBT Văn phòng sách & tri thức Việt





13. “Ngồi ôm cổ tích” - Những ký ức không thể nào phai




Theo quy luật của tạo hóa, thời gian là một đi không trở lại, hầu như tất cả đều sẽ bị lớp bụi thời gian vùi lấp. Mỗi chúng ta có lẽ ai có những ký ức đậm sâu, những cổ tích cuộc đời không bao giờ nhạt phai trong tâm trí. Năm tháng vụt trôi khi mái tóc đã pha sương, người ta lại ước gì có thể quay ngược thời gian để được trở lại với thời thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão, trở về với những khung trời kỷ niệm của một thời hoa bướm ngày xưa. 
Và Đỗ Mỹ Loan cũng vậy! Tất cả những kỷ niệm ngọt ngào, tất cả những say đắm, đam mê… của ngày xưa ấy chị đã gửi gắm vào trang giấy, nhờ vần thơ nói hộ, để rồi “Ngồi ôm cổ tích” được trình làng làm xao xuyến bao trái tim độc giả.
Có thơ làm người bạn tri âm, tri kỷ, có thơ lắng nghe nỗi lòng của chị cũng vơi bớt đi sự cô đơn, trống vắng: “Tôi chẳng còn gì ngoài những bài thơ/ Sớm nắng chiều mưa theo tôi cùng năm tháng/ Từ buổi bình minh đến hoàng hôn chạng vạng/ Bao nỗi niềm ấp ủ gởi sương đêm/…/ (Chỉ còn lại vần thơ). 
Chỉ khi đến với thơ, thi sỹ mới có thể xếp lại những ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống mà tìm được sự an nhiên và hướng đến ánh bình minh ấm áp: “Thôi quẳng hết não nề/ Thả trôi theo dòng nước/ Vẫn mong rằng phía trước/ Bình minh rực nắng vàng/ Thôi xếp mọi ngổn ngang/ Của bộn bề cuộc sống/ Để hồn thơ lắng đọng/ Tâm an nhiên tìm về” (Xếp lại ngổn ngang). 
Bên cạnh đó Mỹ Loan cũng tìm đến với Phật pháp để học cách buông bỏ những ưu phiền của cõi trần: “Thành tâm/ quỳ trước Phật đài/ Cho con quên hết/ u hoài trầm tư/ Xa lìa/ ngày tháng ảo hư/ Vô minh chìm đắm/ ngục tù vương mang” (Buông). Ánh sáng của Phật pháp đã giúp chị tỉnh ngộ và tìm được sự bình yên trong tâm hồn mà nhẹ bước tang bồng: “Chiều trên châu thổ bình yên lạ/ Sải cánh đàn chim rợp góc trời/ Nhẹ bước tang bồng buông chấp ngã/ Nỗi sầu dằng dặc gởi xa khơi/.../” (Chiều trên châu thổ).
Dẫu cho cuộc đời còn nhiều lắm những gian truân, song Mỹ Loan vẫn yêu đời bằng cả trái tim mình. Chị không gục ngã trước số phận, chị đã vịn câu thơ mà đứng dậy để sống vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn.
“Ngồi ôm cổ tích” là thi tập rất giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, khơi gợi được trí tưởng tượng của người đọc, ý thơ sâu sắc, tinh tế, đầy thi vị. Những vần thơ dịu ngọt, thanh thoát, dễ đi vào lòng người. Ai đã đọc một câu thì không thể không đọc hết cả bài, ai đã đọc hết cả bài thì chỉ muốn đọc hết cả tập thơ và ở mãi trong thế giới thơ của chị.

BBT Văn phòng sách & tri thức Việt



14. Lang thang qua Khúc tương tư

của Lãng Mây


Khúc tương tư
Thơ Hoàng Thị Lãng Mây

Ôm đàn ngồi tựa bến sông trăng
Gẩy khúc tương tư ngập ánh vàng
Bối rối cung trầm nghe lãng đãng
Băn khoăn nhịp bổng lắng mơ màng
Đau tình mấy lượt duyên hờ hững
Xót cảnh bao lần phận dở dang
Thương cánh phù dung sầu lẻ bạn
Điệu buồn muôn thuở vẫn vương mang

Lời bình của Phạm Hữu Lý:

Thú thật đến tận giờ tôi chưa gặp Lãng Mây, chỉ mới quen chị qua một số bài thơ trên Thi Đàn Việt Nam gần đây thôi. Nhớ khi mới đọc dăm ba bài thơ đầu tiên của Lãng Mây, tôi có cảm giác như đã quen chị từ lâu và coi như mình đã thấy người. Người dịu dàng, đằm thắm và sâu sắc. Người tình cảm, nồng nàn và cả nghĩ. Người truân chuyên, bất hạnh và khổ đau. Đó là người thơ cháy bỏng, đắm đuối, đầy nữ tính song cũng đầy nghị lực, khát khao...sau vỏ bọc của những làn mây lãng đãng…

Về thơ, cảm giác đầu tiên của tôi là chị có thể làm thơ hay với nhiều thể loại thơ, song có lẽ ấn tượng nhất là thể thơ Đường, một loại thơ rất khắt khe về niêm luật, chữ nghĩa... Trong số các bài thơ được làm theo thể thơ Đường, tôi thích bài thơ “ Khúc tương tư” nhất, có lẽ nó có chất “ nhạc” mà tôi lại là người yêu âm nhạc chăng? Vì thế tôi muốn lang thang một chút qua bài thơ này của chị.

Thường thì người ta chơi đàn phải có tri âm tri kỷ như Thúy Kiều chơi đàn cho người yêu là Kim Trọng nghe trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nỗi buồn chia đôi vợi đi một nửa, niềm vui nhân đôi thành hai niềm vui. Nhưng “Khúc tương tư” lại mô tả tâm trạng của một người phụ nữ chơi đàn một mình, không có người chia sẻ, tự nói về cái “Khúc tương tư” trong lòng mình. Như vậy người phụ nữ này chắc phải cô đơn lắm, uẩn khúc lắm, tâm trạng lắm! Người ta thường chơi đàn trong các nhà hát sang trọng lộng lẫy, trong các quán Bar, quán Café nhấp nháy ánh đèn hoặc trong căn phòng nhỏ nhắn ấm áp lung linh ánh nến. Nhưng ở đây nhà thơ lại “Ôm đàn ngồi tựa bến sông trăng”. Trong hai câu đề (1-2), không gian thơ mộng, dàn trải, mênh mang và xa vắng quá! Vì thế “ Khúc tương tư” bị “ngập ánh vàng”, bị loãng ra, chỉ đủ để cho chính người nhạc công là nhà thơ nghe, may chăng chỉ có chị Hằng lạnh lùng chia sẻ! Hai câu thực (3-4) gợi lên một cảm giác thật sự cô đơn, lẻ loi và bé nhỏ! Thật khác xa “ Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Đinh ninh đôi miệng một lời song song” trong cái đêm Thúy Kiều chơi đàn và thề thốt cùng Kim Trọng. Trong cái không gian lẻ loi, mênh mang và yên tĩnh ấy, nhà thơ cảm thấy “ Bối rối” trước những cung bậc âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc “lãng đãng”, lúc “mơ màng” do chính mình tạo ra, vang lên từ chính trái tim mình. Với các từ mạnh và gợi cảm ( đau, xót, buồn, thương) xuất hiện liên tiếp trong các câu từ 5-8, tác giả đã gợi lên một sự xót xa đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc. Thế mới biết nghệ thuật nói chung đều phát xuất từ lòng con người mà ra. Lòng buồn thì văn chương, thơ phú, âm nhạc cũng buồn theo. Ta sẽ hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao nhà thơ lại buồn bã đến như vậy qua hai câu luận :

Đau tình mấy lượt duyên hờ hững
Xót cảnh bao lần phận dở dang

Đời con người ta chỉ một lần duyên hờ hững, một lần phận dở dang đã là đau khổ, bất hạnh lắm rồi. Ở đây, tác giả lại có đến mấy lượt duyên hờ hững và bao lần phận dở dang thì sự đau khổ, bất hạnh không biết còn lớn đến chừng nào!
Đọc hai câu kết “Thương cánh phù dung sầu lẻ bạn. Điệu buồn muôn thuở vẫn vương mang” tôi cứ mường tượng người đàn bà đã chơi xong “Khúc tương tư” từ lâu rồi, song vẫn ngồi lặng yên như tảng đá, ôm đàn và lặng lẽ nhìn dòng sông loang lổ ánh trăng mà nghĩ ngợi, mà thương xót cho số phận đơn lẻ của mình như cánh hoa phù dung kiêu sa, mong manh sớm nở tối tàn. Điệu nhạc buồn của số phận con người muôn thủa mãi còn vấn vương vì đó là cái kiếp của cái “ giống hữu tình” như Nhà thơ thiên tài Nguyễn Du đã từng viết:

Cho hay là giống hữu tình

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.

Nhìn chung, bài thơ thể Đường luật với cấu trúc đề, thực, luận, kết hợp lý, khúc chiết, tương quan chặt chẽ, câu nọ nối tiếp, làm nền cho sự xuất hiện và phát triển của câu kia tạo thành một thể liên hoàn hoàn chỉnh, trong từng cặp đều có sự đối từ, đối ý…một cách khá trọn vẹn. Hình ảnh đẹp, từ ngữ chọn lọc, gợi cảm tạo được không khí vừa hiện đại vừa mang một chút hơi hướng cổ thi. Đặc biệt tác giả đã biết sử dụng các thuật ngữ âm nhạc như cung, nhịp, điệu, trầm, bổng…làm nổi bật sự riêng biệt của Khúc tương tư.

Qua bài thơ này và mở rộng sang một số bài thơ khác đã được đọc, tôi có cảm tưởng thơ, với Lãng Mây, có vẻ như là một phương tiện để bày tỏ lòng mình một cách tự nhiên chân thật nhất, để giải thoát cho chính mình chứ không phải để vuốt ve trau chuốt về chữ nghĩa. Có lẽ nhờ thế mà nó rất gần gũi, đáng yêu. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà nó thiếu vắng một chút thâm thúy, trí tuệ và xuất thần của những câu, chữ và ý tứ…Âu đó cũng là cái nhược điểm thường gặp ở những người mới làm thơ chưa có mấy kinh nghiệm thâu nạp để làm duyên dáng cho mình.

Tuy nhiên, tôi rất tin bước đi ban đầu và tương lai tươi sáng của nhà thơ trẻ giàu tình cảm, khát vọng và nghị lực...khi đọc các bài thơ của chị Lãng Mây. Cầu mong cho chị luôn mạnh khỏe, may mắn và thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy cam go song vô cùng quyến rũ này.

Nhạc sĩ Phạm Hữu Lý

(Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội)



15. ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY "ÁO LỤA ĐÓN MÙA THU" của hoangthilangmay



Triết lý vô thường luôn ở trong hành trang cuộc sống và thơ ca Hoàng Thị Lãng Mây. Chính sự thấm nhuần sâu sắc triết lý đó, mà dù đang ở giữa những ngày đầu thu. sắc thu xưa vẫn lụa là êm ái, vẫn xanh trong bích ngọc trong tư duy trong tâm hồn người nữ sĩ tài hoa này. Là cây bút hàng đầu trên diễn đàn ở đề tài tình yêu, Lãng Mây luôn mang đến cho bạn đọc những vần thơ da diết mênh mang ngập tràn với nỗi lòng lắng sâu dịu vợi. Đi giữa mê cung ngôn ngữ thơ ca vô cùng lạ lẫm của LM ta dễ dàng nhận ra một " Áo lụa đón mùa thu" thật mượt mà dung dị.

"Có phải chăng nhè nhẹ thoảng thu qua
Ngày trở dậy heo may vương ngập lối
Đợi chờ ta... đừng bước đi quá vội
Áo màu mây còn cất giữ phương nào ?

Tiếng thời gian gõ từng nhịp lao xao
Hoa lá buồn vẫy tay chào từ biệt
Khúc tàn phai ngỡ ngàng trong nuối tiếc
Nỗi ưu tư khắc khoải buổi giao mùa

Nắng úa vàng có phải nắng ngày xưa
Màu hạt dẻ thuở hẹn hò cổ tích ?
Ngày mùa thu gọi về bao ký ức
Kỷ niệm hồng mật ngọt đã bay xa

Chỉ còn đây với nỗi nhớ thiết tha
Áo lụa trắng giảng đường thời mới lớn
Bức tình thư ngập ngừng chao sóng gợn
Vẫn nằm nguyên dưới ngăn cặp thật thà

Vườn nhà ai cúc vàng rực màu hoa
Nghe đâu đây thơm nồng hương gió mới
Hồn lụa trắng đã bao ngày chờ đợi
Đón mùa thu… mơ ước được đi cùng !

Giữa không gian đầy mơ màng tình tứ mùa thu đã khiến tâm hồn ta xao xuyến lạ thường khi bắt gặp màu áo lụa trinh nguyên tan vào nỗi niềm đẫm ướt ngăn ngắt heo may.

" Có phải chăng nhè nhẹ thoảng thu qua
Ngày trở dậy heo may vương ngập lối
Đợi chờ ta... đừng bước đi quá vội
Áo màu mây còn cất giữ phương nào ?"

Với cảm quan nhạy bén của mình LM cất lên khúc nhạc lòng bằng các thanh điệu của ngôn ngữ Việt . Những nhè nhẹ / heo may / đợi chờ... được kết lại thành một chuỗi âm thanh níu kéo thời gian, níu kéo ký ức cho nỗi ưu tư tiếc nuối được thăng hoa trong nỗi buồn đắm đuối.

" Tiếng thời gian gõ từng nhịp lao xao
Hoa lá buồn vẫy tay chào từ biệt
Khúc tàn phai ngỡ ngàng trong nuối tiếc
Nỗi ưu tư khắc khoải buổi giao mùa"

Khi nhãn quan mơ màng trong lãng đãng sắc thu, màu dĩ vãng hiện về vấn vương ngập tràn tâm trí. Tâm trạng người nữ sĩ ngỡ như mơ, như thực. Mối tình trinh nguyên một thời áo trắng đẹp như huyền thoại ấy sóng sánh màu sắc cầu vồng, gần ngay trước mặt mà vời vợi cách xa.

"Nắng úa vàng có phải nắng ngày xưa
Màu hạt dẻ thuở hẹn hò cổ tích ?
Ngày mùa thu gọi về bao ký ức
Kỷ niệm hồng mật ngọt đã bay xa

Chỉ còn đây với nỗi nhớ thiết tha
Áo lụa trắng giảng đường thời mới lớn
Bức tình thư ngập ngừng chao sóng gợn
Vẫn nằm nguyên dưới ngăn cặp thật thà"

Thi nhân đang đi trong vẻ đẹp vĩnh cửu của tâm hồn. Với sứ mệnh làm duyên cho từng con chữ, ý thơ đã bay lên đến đỉnh cao của nghệ thuật. Vẫn chỉ là những ngôn ngữ thường gặp của thơ ca về mùa thu như: tàn phai/ nuối tiếc / như úa vàng / mật ngọt hay tha thiết / ngập ngừng . Nhưng không thấy những khuôn mòn sáo cũ " Áo lụa đón mùa thu" là nơi chốn mê li của vẻ đẹp toàn bích để người đọc gửi gắm vào sâu thẳm dĩ vãng mà tìm bới cho mình một thời ngất ngây của ái tình chan chứa.

Gần đây bút danh LM thường lãng du giữa sắc không của bao la vũ trụ nên các mảnh vỡ của tình yêu lại biến thành những tiểu vũ trụ muôn hình vạn trạng mà mơ ước khát khao.

"Vườn nhà ai cúc vàng rực màu hoa
Nghe đâu đây thơm nồng hương gió mới
Hồn lụa trắng đã bao ngày chờ đợi
Đón mùa thu… mơ ước được đi cùng !".

Dù cố đến đâu thơ LM vẫn phảng phất một nỗi u hoài đeo đẳng có chăng điều ấy lại hợp tấu tan biến vào khung cảnh mùa thu mà làm nên những tuyệt bút mãi hiện hữu trong ta.

Được biết thêm ít thông tin về bút danh LM qua báo chí, qua những tác phẩm mà chị đã xuất bản, mới thẩm thấu những giá trị cao đẹp của một tâm hồn, của một trái tim đáng được trân trọng đến nhường nào. Cám ơn nhà giáo – nhà thơ Đỗ Mỹ Loan đang gọi thức những nỗi buồn ngọt ngào dần lãng quên trong tất bật đời thường bằng những lời thơ tuyệt đẹp.
Được song hành trên từng cung bậc cảm xúc thơ ca cùng với HTLM hỏi còn gì hơn nữa.

Lều Thơ Phiêu Lãng
Đak Lak



16. HOÀNG THỊ LÃNG MÂY - NỖI BUỒN DUYÊN NỢ ĐỜI THƠ...





Đọc Lời Cuối Cho Nhau tôi chợt vẳng nghe đâu đây câu nói của tiền nhân : “ Nếu khóc mà vơi đi được nỗi buồn thì trái đất này sẽ ngập tràn nước mắt”

Sao tự dưng lòng bỗng thấy chơi vơi
Nỗi ray rứt làm tim ta quặn thắt
Gió se se cho ngỡ ngàng môi mắt
Giữa bạt ngàn bóng tối chợt bủa vây

Nỗi cô đơn trăn trở suốt tháng ngày
Ta đã khóc bên vần thơ cô lẻ
Giờ còn gì ngoài nỗi sầu quạnh quẽ
Ta cúi đầu nghe xa lạ tuổi tên

Xin cho ta chỉ hai chữ lãng quên
Ta trở về bên góc trời sám hối
Thôi giã biệt một quãng đời u tối
Để nỗi buồn cứ đeo đuổi ngày đêm

Hãy cho ta một góc nhỏ bình yên
Cho tâm được trở về miền tĩnh lặng
Cho nước mắt thôi không còn mặn đắng
Cho bờ môi đừng héo hắt nụ cười

Xin cảm ơn tình cảm của bao người
Đã yêu mến áng mây buồn muôn thuở
Rồi mai đây trên đường đời cách trở
Chút lắng lòng… lời cuối gởi cho nhau !


Lãng Mây quả thật không muốn làm vơi đi nỗi buồn vì thiếu nó trong cuộc đời, thơ Lãng Mây không mê thiêng đến thế .

Người ta bảo “ Muốn làm nghệ thuật phải có đủ 3 yếu tố : “ nghèo – cô đơn – niềm đam mê cháy bỏng” . Vậy thì có hề chi mà chẳng trải lòng :

“ Sao bỗng dưng lòng bỗng thấy chơi vơi”

Không quá đỗi bất ngờ trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời , nhất là cuộc đời của một nữ thi sĩ thường lắm đa đoan lo chuyện bao đồng để rồi cái nỗi truân chuyên ùa về đầy ắp tâm hồn mà lãng du dan díu. Biết rằng sự dan díu thanh tao , thánh thiện nhưng giữa cái thế giới đầy vội vã với sự phô phang cuồn cuộn mấy ai chậm lại mà nhìn vào khoảng xa xăm hay ngược về quá khứ để cảm thấy bờ mi nằng nặng , lòng rưng rưng muốn khóc.

Có lẽ vì thế mà Lãng Mây thấy chơi vơi , thấy thấm thía cái nghiệp đời , cái duyên nợ với thơ.

“ Nỗi cô đơn trăn trở suốt tháng ngày
Ta đã khóc bên vần thơ cô lẻ
Giờ còn gì ngoài nỗi sầu quạnh quẽ
Ta cúi đầu nghe xa lạ tuổi tên”

Không còn là Lãng Mây yêu kiều đắm đuối mơ mộng xa xăm chỉ có một nỗi buồn quặn thắt não nề . Buồn như không buồn hơn được nữa , buồn nên nỗi không còn nhận ra hiện thực của mình , nỗi buồn của thi nhân là thế , nó khác người bình thường , nó là cầu nối giữa tâm hồn với tâm hồn , giữa hiện thực với thi ca.

“ Xin cho ta hai chữ lãng quên
Ta trở về bên góc trời sám hối
Thôi giã biệt một quãng đời u tối
Để nỗi buồn cứ đeo đuổi ngày đêm”

Cái nghiệp văn chương dễ gieo mầm họa cho thế gian đắm đuối chữ “ tình”. Âu cũng là từ tâm khảm mà ra. Cái tội buồn vui yêu ghét khác người để ai đó lầm tưởng tiết hạnh, lý đạo nào có thể né tránh khi đã chọn thơ ca là tri kỷ ở đời. Lãng Mây dù có muốn quên cũng không quên được mà cũng chẳng nên sám hối , thế nhân biết bao kẻ khao khát được mang tội như Lãng Mây mà nào có duyên , có phận.

Theo tôi “ Lời cuối cho nhau” là cảm xúc bất chợt ùa vào tâm thức của của một trái tim nhân hậu đa đoan, nhưng lại rất dễ bị kích động. Chính vì thế mà bài thơ có một giai điệu xuất thần khiến người đọc cũng cảm thấy thăm thẳm nỗi buồn. Nỗi buồn của duyên nợ đời thơ có sức lan tỏa thật khiến người ta cảm thấy xót xa mỗi khi cầm bút.

Cảm ơn áng mây buồn muôn thuở ấy đã lắng lòng lại để mãi làm duyên và điểm tô cho bầu trời thi ca thêm hương thêm sắc.

“ Xin cảm ơn tình cảm của bao người
Đã yêu mến áng mây buồn muôn thuở
Rồi mai đây trên đường đời cách trở
Chút lắng lòng lời cuối gửi cho nhau."

Lời kết thơ thật êm đềm dung dị , buồn đến thế mà vẫn còn duyên lắm Lãng Mây ơi! Ý thơ đã đạt đến đỉnh cao của chức năng giao tiếp. “ Lời cuối cho nhau” là thông điệp cho duyên phận đời thơ.

Lê Hiểu - BMT




17. TẢN MẠN VỀ CÁI DUYÊN TRONG "BỒI HỒI" CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY





BỒI HỒI

Bồi hồi qua ngõ nhà anh
Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm
Anh là mật ngọt dịu êm
Cho em đi lạc giữa miền tương tư
Thoảng trong hơi gió mùa thu
Thơ tình anh viết lời ru ngọt ngào
Gió ơi có ở trời cao
Gửi dùm em chút mưa rào sang anh

Bồi hồi qua ngõ ngó quanh
Bóng anh chẳng thấy thôi đành…ngẩn ngơ!
HTLM


Lời bình của Phạm Hữu Lý:

Đọc bài thơ “ Bồi hồi” của Hoàng Thị Lãng Mây, tôi cứ lan man nghĩ về cái duyên của người con gái Việt. Hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam với biết bao nét đẹp và những đức tính quý đã, đang và mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho văn học, nghệ thuật. Chỉ riêng cái duyên, nhất là cái duyên thầm trong tình yêu của người phụ nữ Việt Nam đã tốn bao tâm trí của các bậc tài danh đất Việt, hiện lên đậm đà, đầy quyến rũ trong ca dao, tục ngữ, trong Truyện Kiều và trong các áng văn thơ kim cổ…Còn nhớ cái buổi đầu gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn nghé theo
Thật là tài tình! Chỉ vỏn vẹn có hai từ “ nép” và “ nghé”, Nguyễn Du đã khéo léo diễn tả cái duyên thầm đáng yêu của Thúy Kiều trong buổi bình minh của mối tình đầu mới bén!
Cái duyên thầm trong chiến tranh của cô gái “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay. Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Bến ấy có người ngày mai ra trận…” nhờ hương bưởi nói hộ lòng mình trong bài thơ “Hương thầm” của Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại là nét duyên thầm khác đã làm cho không biết bao nhiêu người xúc động và say mê!
Tôi vừa nhắc qua về cái duyên thầm của hai người con gái trong hai mối tính đầu ở hai thời đại khác nhau: một đã cách đây gần 300 trăm năm, một mới trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tôi muốn tản mạn một chút về cái duyên thầm khác trong bài thơ “Bồi hồi” của chị Lãng Mây. Bài thơ viết về tâm trạng của người con gái với mối tình đầu dang dở.Chắc hẳn là như vậy, vì nếu không dang dở thì việc gì phải:
Bồi hồi qua ngõ nhà anh
Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm
Nguyễn Du trong mấy câu thơ trên, bằng nghệ thuật ẩn dụ, mượn khóm hoa vô hình nào đấy cho Thúy Kiều “ nép” vào để nhìn trộm chàng Kim đẹp trai, hào hoa nho nhã “Đề huề lưng túi gió trăng”. Cô gái trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì lại gói duyên thầm vào chiếc khăn tay và hương bưới để gửi gắm lòng mình. Còn ở đây, người con gái trong “ Bồi hồi” lại nghiêng chiếc nón lá bài thơ mang theo để che cái “ liếc nhanh”, giấu cái thẹn thùng của mình khi đi tìm bóng dáng của người thương yêu cũ! Cô phải “ liếc nhanh mắt tìm” cứ như là sợ ai đó quả tang bắt gặp cái hành động yêu chính đáng của mình vậy, sợ người ta chê cười rằng “ cọc đi tìm trâu!” mà không biết rằng, cách đây gần 300 trăm năm, Thúy Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng trong đêm khuya thanh vắng “ Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”! Chao ôi! Tôi cứ bâng khuâng tự hỏi không biết đã bao lần người con gái ấy đã “Bồi hồi qua ngõ nhà anh”, đã “Che nghiêng nón lá liếc nhanh mắt tìm” như vậy? Người con gái đi như trong mộng du “lạc giữa miền tương tư”, trong cái “ hơi gió mùa thu” se se lạnh, chìm trong những kỷ niệm, trong “mật ngọt dịu êm” của mối tình đầu thơ mộng, ngọt ngào “Thơ tình anh viết lời ru ngọt ngào”! Và tôi cũng lại tự hỏi, đã bao lần em đã khóc, không phải khóc thầm mà là khóc nức nở như cơn mưa rào đầu mùa hạ:
Gió ơi có ở trời cao
Gửi dùm em chút mưa rào sang anh
Những giọt nước mắt mặn chát cho “ Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên” (Lời mỉa mai-Thế Lữ) bây giờ chỉ còn là cái bóng! Và ngay đến cái bóng của người tình cũ cô gái cũng chẳng tìm thấy nên đành “ ngẩn ngơ” quay về hiện tại với cái tâm trạng của nàng Kiều “ Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”!
Người con gái xứ nào cũng có duyên và đáng yêu cả. Tôi mê tình yêu trong trắng thủy chung và mãnh liệt của Juliet từ đất nước sương mù trong “Romeo và Juliet” của Shakespeare. Tôi say vẻ đẹp và tình yêu thuần khiết của Natasa từ xứ sở bạch dương trong “ Chiến tranh và Hòa bình” của Lép Tôn-xtôi, và rất nhiều vẻ đẹp của những người con gái từ các miền đất khác nữa…Nhưng tôi yêu nhất vẫn là cái duyên thầm của người con gái quê hương tôi!
“Bồi hồi ” là một bài thơ hay và buồn nhưng rất có duyên. Cầu mong dù vật đổi sao dời, dù xã hội ngày càng văn minh hiện đại, thì cái dịu dàng đằm thắm, cái duyên thầm…của người phụ nữ Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước như một nét đẹp tâm hồn đặc sắc mà không phải dân tộc nào trên hành tinh này cũng có được.
Phạm Hữu Lý
(Hà Nội)



18. "LỤC BÁT CÔ ĐƠN" CÁCH BIẾN THỂ ĐỘC ĐÁO CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY





Đêm đã về sâu, sương dày đọng thành hạt, níu trên cành vương trên lá. Mong manh vụn vỡ.
Người thơ đi trong đêm, đi trong sương, thản nhiên trong nỗi nhớ, thản nhiên giữa nhịp tim chầm chậm gõ vào trống vắng cô đơn. Để lòng người được chơi vơi, hồn được tắm gội giữa miền vĩnh lạc của đất trời:

Xòe tay
hứng giọt sương rơi

Nghe trong sâu thẳm
đất trời ngã nghiêng

Trong cõi mộng, tứ thơ bịn rịn chèo kéo mồi chài. Bản năng thi nhân trỗi dậy, một nét vung lên câu chữ dệt thành vóc dáng, mềm mại, uyển chuyển, hình ảnh xòe tay hứng sương đã vượt lên cả chức năng ngữ nghĩa. Lộ ra mảnh ghép của hội họa trừu tượng đầy mê hoặc. Động thái của người thơ đã nhập cảm tan biến vào ảo trận của chúa đêm.
Cách biến thể ngắt nhịp của cặp vần lục bát trải dọc xuống thành một khổ thơ mở, là sự sáng tạo của tư duy kiến trúc.
Mảnh ghép của bức tranh chữ nõn nà lộ ra từ sâu thẳm của sự mê thiêng. Vần"ơi" như một tiếng ngân vọng mênh mang mà kinh dị, làm nghiêng ngã cả đất trời.
Hãy chiêm ngưỡng khổ thơ trong một cảm quan hẹp, một không gian khép, hãy nhắm mắt lại và để cái "tôi" ra khỏi tục phàm. Hình hài của khổ thơ sẽ hiện ra chập chờn hư ảo, mọi giác quan sẽ choáng váng trao đưa, bồng bềnh trôi đi trên giá đỡ của sương đêm dịu vợi:

Gió qua
đứng đợi bên thềm

Nhớ nhung sợi nắng
dịu hiền
mỏng manh

Thi nhân nghiễm nhiên điểm ngang một gam màu níu kéo mà không sợ lạc lõng, không sợ phá vỡ quy luật của kĩ năng hội họa. Miếng ghép thứ hai lộ ra gần hơn, thực hơn. Sợi nắng mỏng manh kéo sự mê thiêng của một đêm hoang lạnh. Người thơ mãi cô đơn trong mọi khoảng không gian trong vắt của đất trời, và ngay cả khi sinh khí, tinh hoa tích tụ tan ra lan tỏa vào từng nhịp thơ, làm cong lên những sợi nắng dịu hiền, vẫn chỉ là sự cuộn tròn nỗi nhớ nhung mong đợi.
Khổ thơ pha chút hoang đường, phóng đại để tâm trạng được tan vào nắng, ngã vào gió mà ngóng mà chờ

Em
chờ bên cửa
bóng anh

Thở dài
cũng chỉ quẩn quanh
bóng hình.

Khổ thơ gần như gãy vụn, từng con chữ bỗng chơi vơi cô độc. Cảm giác gần hơn , thực hơn được diễn bày giữa tàn đêm hoang vắng, bước chậm nép về, neo bến thiên thu.
Vẫn chỉ thi nhân lội sương tắm nắng, thức trọn vào đêm, xoay tròn duyên phận, đơn bóng một mình.
Chỉ ba cặp vần được ngắt ra trải dọc, mang đến độ dài bất tận cho nỗi đơn côi.
Cách kết nối tài hoa làm nên dòng mạch trong ngần và tinh khiết, chảy vào tâm can người đọc.
Lục bát là thế, mềm mại khôn cùng, thẳm sâu khôn cùng. Bài thơ khép lại 42 con chữ ,ít mà không ngắn, hàm súc mà không bó gọn. Thủ pháp cắt ngang trải dọc ,tuy không mới nhưng cắt và trải thế nào ấy là điều đáng suy ngẫm.
Đối với chủ quan của người viết .đây là một bài thơ được biến thể khá thành công của thể loại thơ lục bát. Cũng là điểm nhấn thật ấn tượng trong thế giới thi ca muôn màu, muôn vẻ của người nữ sĩ đa đoan đã và đang làm nao lòng bạn đọc.

LÊ HIẾU (Thanh Hóa)

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét