Ở miền Nam, dễ đâu cảm nhận được sự chuyển biến sâu sắc của phút giao mùa? Nhất là ở Sài Gòn, một năm chỉ có hai trạng thái nắng và mưa. Bao nhiêu cái ồn ả xô bồ, bao nhiêu là khói bụi quyện vào dòng người ngược xuôi hối hả. Tôi ở miền Nam, nên cảm nhận như thế. Không biết tác giả Hoàng Thị Lãng Mây hiện đang sinh sống ở nơi nào, nhưng tôi có cảm giác chị là người miền Nam. Không dựa vào đâu cả, chỉ cảm giác như vậy thôi, nếu không đúng cũng rất mong chị thông cảm bỏ qua!
Đọc bài thơ “Phút giao mùa” của chị bất chợt một dòng cảm xúc ùa về. Không phải cái ớn lạnh của tiết trời chuyển sang đông mà đó là một cái giật mình thật khẽ, chợt nhận ra mình thiếu sót một điều gì đó với chính bản thân mình?! “Phút giao mùa xao xuyến/ Đời bao lần chia ly?”. Ôi! Chợt nhận ra đời như một sân ga, bao nhiêu cuộc hội ngộ là bấy nhiêu cuộc chia ly. Vậy mà… Vậy mà đôi khi ta lại không nhận ra điều ấy nhỉ?
Phút giao mùa
Chiều nay trời trở lạnh
Ta một mình lang thang
Đâu đây lời buồn thánh
Chuông giáo đường vang vang
Mùa thu qua vội vã
Mang theo bao não nề
Đông về chừng xa lạ
Nên để sầu tái tê !
Lần tay ta thầm tính
Mấy mùa đông trong đời
Tháng ngày dài câm nín
Đếm muộn phiền chơi vơi ?
Gió bấc vừa chợt đến
Tiễn lá vàng ra đi
Phút giao mùa xao xuyến
Đời bao lần chia ly ?
Hoàng Thị Lãng Mây
Vâng, cảm ơn chị! Một lần nữa chị đã gây nhiều cảm xúc trong tôi khi đọc thơ của chị. Thật nhẹ nhàng, thật bay bổng và đượm chút buồn như chính cái tên của chị “Hoàng Thị Lãng Mây”.
Mở đầu bài thơ bằng một lời giới thiệu rất nhẹ nhàng, rất đơn giản: “Chiều nay trời trở lạnh”. Trời trở lạnh, chưa đủ để thông báo mùa đông sang. Đôi khi chiều vẫn hay lành lạnh vậy mà. “Ta một mình lang thang”. Đây rồi, nhân vật của bài thơ đang lang thang một mình, không tâm trạng nhưng đã thoáng thấy nét buồn qua hai chữ “lang thang”. “Đâu đây lời buồn thánh/ Chuông giáo đường vang vang”. Cả khổ thơ đầu tác giả dẫn người đọc đi cùng mình trên một con đường đầy lá, hoang vắng. Một không gian tĩnh lặng, tĩnh lặng lắm! Bởi vì chính trong không gian tĩnh lặng ấy mới làm cho xúc cảm của con người bật lên những âm thanh chân thật nhất. Chính trong cái tĩnh lặng ấy mới cảm nhận được cái se lạnh của tiết trời; mới nghe được âm vang câu kinh thánh và tiếng chuông giáo đường xa xa vọng lại. Khổ thơ nhuốm một màu hoàng hôn hiu hắt, vắng lặng và lạnh lẽo. Chợt giật mình phát hiện mùa thu đã ra đi một cách vội vã và mùa đông không hề mong đợi lại đến:
Mùa thu qua vội vã
Mang theo bao não nề
Đông về chừng xa lạ
Nên để sầu tái tê !
Khổ thơ thứ hai, tác giả đưa người đọc hòa cùng mình trong một tâm trạng: “não nề/ tái tê”. Mùa thu đã buồn lắm rồi, mùa đông đến lại càng làm cho nỗi sầu thêm tê tái. Tác giả buồn gì nhỉ? Tôi cũng chẳng biết. Có lẽ nhìn cảnh vật đìu hiu trong một không gian quạnh quẽ như vậy làm cho tâm hồn nhạy cảm của tác giả thấy gợn buồn? Thôi cùng đọc tiếp khổ thứ ba:
Lần tay ta thầm tính
Mấy mùa đông trong đời
Tháng ngày dài câm nín
Đếm muộn phiền chơi vơi ?
Thông thường, để tính tuổi, người ta thường hay chọn mốc là mùa xuân. Vậy mà tác giả lại nhẩm tính “mấy mùa đông trong đời”. Ở đây vừa ngụ ý nhẩm tính tuổi tác vừa ngụ ý nhẩm tính bao nhiêu chuyện muộn phiền đã qua trong cuộc đời mình chăng? Bởi “tháng ngày dài câm nín/ Đếm muộn phiền chơi vơi?” Rõ ràng bao nhiêu mùa đông trong đời là bấy nhiêu thời gian sống trong nỗi muộn phiền dai dẳng mà chẳng biết chia sẻ cùng ai.
Gió bấc vừa chợt đến
Tiễn lá vàng ra đi
Phút giao mùa xao xuyến
Đời bao lần chia ly ?
Đoạn thơ cuối lại kéo người đọc trở về với thực tại khi một cơn gió bấc lạnh lùng lại kéo ùa sang làm rụng rơi nốt những chiếc lá vàng cuối thu còn sót lại. Cơn gió lạnh càng làm cho bao suy nghĩ miên man về những kỷ niệm buồn trong cuộc đời nhân vật thêm lay động. Xao xuyến trước phút giao mùa của trời đất chợt nhận ra cuộc đời chỉ là một chuỗi những chia ly. Tôi thích nhất câu thơ cuối của bài thơ. Một câu hỏi đặt ra thật đơn giản thật ngẫu nhiên mà dội vào lòng người đọc bao nhiêu là suy nghĩ. Thật đáng suy ngẫm biết bao. Hóa ra, nhìn kỹ lại quãng thời gian có mặt trên cõi đời này, rõ ràng nó được kết nối bởi một chuỗi những cuộc hội ngộ và chia ly. Có cái gì là vĩnh cữu? Đây. Một triết lý thật sâu xa, một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến với tất cả chúng ta.
Xin cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng Mây đã tặng cho cuộc đời này những dòng thơ đầy xúc cảm. Càng đáng quý hơn, qua bài thơ tác giả muốn nhắn nhủ với tất cả chúng ta một điều rằng: Chẳng có gì là vĩnh cữu cả, tất cả các cuộc hội ngộ đều có chung một kết quả là chia ly. Vậy ta phải sống làm sao cho thật xứng đáng với những mối quan hệ mà ta đang có trong hiện tại, để một mai, dẫu có chia xa vẫn còn hoài trong mỗi chúng ta những kỷ niệm đẹp.
Trên đây là những cảm nhận của riêng tôi về bài thơ “Phút giao mùa” của tác giả Hoàng Thị Lãng Mây, nếu có điều gì sai sót không đúng với ý của tác giả rất mong chị miễn chấp bỏ qua. Chúc chị luôn vui khỏe và có thật nhiều bài thơ thật hay!
Trương Hoài Phong
(Đà Lạt)